Cuối chiều ngày 27/5, chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Võ Văn Chánh cho biết, hiện ngành chức năng đã xác định nguyên nhân dẫn đến 1.000 tấn cá chết và sẽ công bố nguyên nhân cá chết đến người dân vào một vài ngày tới.
Cụ thể, theo ông Chánh, sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước, mẫu cá ở làng bè La Ngà, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân khiến 1.000 tấn cá chết là do thiên tai, giống với nguyên nhân khiến gần 2.000 tấn cá chết vào cùng kỳ năm 2018.
Ông Chánh cho biết, khu vực nuôi cá được UBND tỉnh quy hoạch và có khuyến cáo, tuyên truyền trước mỗi mùa mưa. “Vào mùa này, mực nước ở sông La Ngà rất thấp. Khi mưa lớn đột ngột đổ xuống, nhiều tạp chất, rác thải từ thượng nguồn đổ về khiến lượng oxy thiếu hụt dẫn đến cá chết hàng loạt. Do năm nay rất nhiều hộ dân bán cá trước, nên thiệt hại chỉ còn nửa so với năm ngoái”, ông Chánh nói.
Cũng theo ông Chánh, việc người dân cho rằng cá chết do ô nhiễm là không chính xác. “Dọc sông La Ngà có nhiều nguồn xả thải ra sông, nhưng lâu nay được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, có hệ thống quan trắc đầy đủ. Khi sự việc xảy ra, lực lượng cảnh sát cũng vào cuộc, nhưng chưa thấy dấu hiệu cá chết do xả thải gây ô nhiễm. Hiện đã xác định rõ nguyên nhân, nên vài ngày tới chúng tôi sẽ công bố cho người dân”, ông Chánh nói.
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, trước đó vào đêm 15/5 rạng sáng 16/5 sau cơn mưa kéo dài nhiều giờ đồng hồ, cá bè trên sông La Ngà bất ngờ chết trắng bè. Nhận tin báo, cán bộ chuyên môn đã xuống hiện trường tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá để xét nghiệm.
Sau khi 13 mẫu nước, 14 mẫu cá tại khu vực cá chết hàng loạt để gửi lên các cơ quan chuyên môn cấp Bộ phân tích, thu được những thông số gần giống tương tự như năm 2018 và nguyên nhân cá chết cũng được xác định như năm 2018 đó là do thiên tai.
Cụ thể, thời điểm cá chết hàng loạt, nguồn nước sông La Ngà ở khu vực xảy ra sự việc “có nồng độ oxy hòa tan (DO) ở mức thấp, chỉ 2.6-3.2 mg/lít (mức thông thường phải từ 4 mg/lít trở lên), nồng độ Amoni và Nitrite vượt ngưỡng cho phép từ 10-20 lần.”