Nữ nghị sĩ "thân bại danh liệt"
Người đẹp Angelina Sondakh (hay còn gọi là Angie) đăng quang Hoa hậu Indonesia 2001 khi 24 tuổi. Với ngôi vị Hoa hậu Indonesia, Angie nhanh chóng nổi tiếng về các hoạt động từ thiện và những cống hiến của cô cho xã hội. Nhưng mục tiêu của Angie, sau những hoạt động đó, vẫn là bước chân vào con đường chính trị.
Và rồi, mọi nỗ lực của cô cuối cùng cũng được đền đáp. Cô tham gia chính trường và được bầu làm nghị sĩ Quốc hội trong giai đoạn 2004-2009 và 2009-2014. Sinh ra tại Australia, sau đó chuyển về sống ở Indonesia, cô được coi là một người phụ nữ thông minh, giỏi giang, biết ba thứ tiếng Anh, Đức, Indonesia.
Với thế mạnh này, con đường sự nghiệp của cô lên như "diều gặp gió", cô còn được bầu làm Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ cầm quyền kiêm giám sát bộ Thanh niên và Thể thao. Sự thông minh và đa tài của Angie đã giúp cô có được chỗ đứng vững chắc trong Quốc hội và cơ hội thăng tiến đang ở ngay trước mắt cô.
Một thời gian ngắn trước khi tái đắc cử năm 2009, Angie kết hôn với một đại biểu Quốc hội thuộc đảng Dân chủ, Adjie Massaid. Massaid vốn là một diễn viên và cựu cầu thủ bóng đá. Massaid đột ngột qua đời hai năm trước vì một cơn đau tim cấp tính, để lại cho cô một cậu con trai và hai người con gái từ một cuộc hôn nhân của Massaid trước đó. Một mình nuôi con, Angie nhận được sự ngưỡng mộ và ủng hộ của mọi phụ nữ Indonesia.
Một nữ nghị sĩ trẻ, từng là Hoa hậu Indonesia, Angie được coi là một trong những tấm gương sáng thành đạt của đất nước. Những tưởng việc ra đi của Massaid là cú sốc duy nhất đối với Angie, thế nhưng, vào năm 2012, Angie lại dính đến một vụ bê bối khiến cô mất tất cả.
Cựu hoa hậu Angelina Sondakh trước giờ xét xử
Năm 2011, Indonesia đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 26, sự kiện được mong đợi nhất. Các công ty xây dựng lớn bắt đầu tham gia đấu thầu dự án xây dựng làng vận động viên SEA Games 26 tại Palembang, Nam Sumatra. Trong số các công ty đó bao gồm cả công ty PT Duta Graha Indah (DGI). Hồ sơ dự thầu của DGI sau đó đã giành được dự án trị giá khoảng 191 tỷ rupiah (khoảng 19,8 triệu USD).
Điều này khiến các nhà xây dựng đặt ra câu hỏi: Nhiều dấu hiệu kỳ lạ xuất hiện trong khâu đấu thầu, phải chăng có sự can thiệp của các quan chức phụ trách ngân sách của Đảng Dân chủ cầm quyền Muhammad Nazaruddin. Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) đã tiến hành điều tra theo phản ánh của một nguồn đáng tin cậy. Báo Jakarta Post đưa tin, ngày 3/4/2012 các công tố viên kết luận ông Nazaruddin đã nhận hối lộ 4,6 tỉ rupiah (504.000 USD) trong dự án đấu thầu này . Các công tố viên khẳng định công ty PT Duta Graha Indah đã trao 5 tờ sec cho các công ty Yulianis và Oktarina Furi thuộc Tập đoàn Permai Group, "sân sau" của ông Nazaruddin.
Vụ việc không dừng lại ở đó, DGI còn "lại quả" cho một số quan chức phụ trách dự án làng vận động viên SEA Games 26. Bông hoa của Quốc hội Angelina Sondakh cũng là một trong số quan chức bị tố cáo. Angie đã bị tuyên án 4,5 năm tù giam với cáo buộc nhận hối lộ 3,6 triệu USD.
Đòn đau "giáng" vào Đảng Dân chủ
Một loạt các quan chức bị dính vào vụ bê bối này, trong đó có cả nữ nghị sĩ xinh đẹp Angelina Sondakh khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Mặc dù tòa án đã tuyên phạt nhưng cựu Hoa hậu Angelina Sondakh vẫn cố gắng bác bỏ mọi cáo buộc trong khi trước ngày xét xử cuối đối với Angie, cô còn phát biểu: "Tôi chấp nhận mọi quyết định của tòa án, tôi tin tòa án sẽ luôn công minh. Tạ ơn chúa". Theo AP, cô đang cân nhắc kháng cáo đối với phán quyết "đầy sơ hở" của tòa án. Cựu Hoa hậu Angie liên tục kêu oan và nói rằng, cô là nạn nhân của một vụ mưu hại chính trị "bẩn".
Cũng trong vụ bê bối này, rất nhiều đối tượng có liên quan khác cũng đã bị tuyên án vì tội nhận hối lộ. Hồi cuối tháng 9/2011, tòa án chống tham nhũng Jakarta đã tuyên phạt bị cáo Mindo "Rosa" Rosalina Manullang 2,5 năm tù giam, nộp phạt 200 triệu Rupiah. Tại một phiên xử khác, giám đốc tiếp thị của DGI - Mohamad El Idris bị kết án 2 năm tù cùng 200 triệu Rupiah tiền phạt vì tội hối lộ quan chức để giành hợp đồng dự án xây dựng làng vận động viên. Hội đồng xét xử đã bác bỏ những lời biện hộ của cả hai bị cáo.
Cả hai đều cho rằng mình vô tội, họ chỉ là nạn nhân của một hệ thống tham nhũng. Họ tự biện hộ, mình chỉ là những con tốt bị giật dây, còn những chủ mưu thực sự đang đứng đằng sau vụ việc. Nhưng khi được hỏi chủ mưu là ai thì hai bị cáo nhất định không khai. Được biết, Rosa là giám đốc tiếp thị của Anak Negeri, một công ty thuộc sở hữu của cựu thủ quỹ Đảng Dân chủ Muhammad Nazaruddin, người cũng đang trong quá trình tố tụng với lời cáo buộc chủ mưu vụ hối lộ này. Tất nhiên, vụ việc diễn ra suôn sẻ nhờ sự tiếp tay của nữ nghị sỹ Angelina Sondakh.
Đáng chú ý hơn, cựu thủ quỹ Đảng Dân chủ Indonesia Muhammed Nazaruddin đã bị Ủy ban Chống tham nhũng bắt giữ ở Colombia sau khi ông này đang bỏ trốn khỏi Indonesia.
Chưa dừng ở scandal tham nhũng này, "hậu" SEA Games 26 ở Palembang còn gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Đại hội thể thao Đông Nam Á đã kết thúc, nhưng ban tổ chức vẫn phải đối mặt với một "núi" nợ. Hôm 12/12/2011, Hạ viện Nam tỉnh Sumatra tiết lộ, tỉnh này vẫn đang nợ Prambanan Dwipaka, công ty xây dựng sân vận động, trung tâm thể thao dưới nước và trường bắn 324,9 tỷ Rp (35,7 triệu USD).
Sau đó, ban tổ chức SEA Games của tỉnh thừa nhận vẫn nợ 60 tỷ Rupiah của những nhà cung cấp thiết bị, công trình phục vụ Đại hội như huy chương, trang phục cho vận động viên, hệ thống công nghệ thông tin, ánh sáng, sổ tay Đại hội và xét nghiệm doping.
Nghị sỹ Syaiful Islam cho biết, Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Nam Sumatra phải giải quyết hết nợ nần bằng cách cân đối tiền từ quỹ ngân sách của tỉnh trong năm 2012. Trong khi đó, ông Djoko Pekik, thư ký bộ Thanh niên và Thể thao cho biết, chính quyền trung ương và địa phương đang gỡ rối để thanh toán nợ, nhưng khó khăn trước mắt là một số khoản do nhà tài trợ cam kết ủng hộ nhưng sau SEA Games họ rút lui, nên ban tổ chức phải tìm nguồn khác đắp vào.
Được biết, từ năm 2009 Indonesia đã chi gần 2.000 tỷ Rupiah để xây dựng các công trình thể thao phục vụ Đại hội thể thao khu vực. Từng làm chủ nhà SEA Games lần đầu năm 1997, Indonesia được cho là đầy tham vọng khi chọn Palembang, một thành phố rất thiếu các nhà thi đấu thể thao tiêu chuẩn quốc tế làm nơi tổ chức SEA Games cùng với Jakarta. Thiếu ngân sách và hệ thống quản lý phức tạp, trong đó có nạn tham nhũng khiến hầu hết các công trình phục vụ Đại hội tại thủ phủ tỉnh Nam Sumatra đều không hoàn thành kịp tiến độ.
Sự việc này là một đòn giáng mạnh vào Đảng Dân chủ của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Hiện ông Susilo đang ở nhiệm kỳ 2 và sẽ kết thúc thời gian tại nhiệm trong năm tới. Vụ bê bối đã làm tăng thêm nỗi thất vọng của người dân vì nỗ lực dẹp tham nhũng của ông Susilo không mấy hiệu quả. Ngoài cựu Hoa hậu Angie, một cựu Bộ trưởng thuộc Đảng Dân và cựu Bộ trưởng bộ Thể thao, một thành viên khác của đảng Yudhoyono cũng sắp phải hầu tòa vì liên quan đến vụ tham nhũng trên.
Tham quan điển hình của "đất nước vạn đảo" Cựu hoa hậu Indonesia 2001 Patricia Angelina tên đầy đủ là Patricia Angelina Sondakh Pingkan sinh năm 1977 tại Úc. Cô là nữ diễn viên nổi tiếng và là một chính trị gia tài giỏi trong bộ máy chính trị của Indonesia. Cựu hoa hậu sinh ra và lớn lên tại Australia, cô cùng gia đình trở về Indonesia năm 1982. Tuy nhiên, cô đã quay lại Australia học ba năm tại một trường trung học. Khi trở về Indonesia, hai năm sau khi cô tốt nghiệp một trường đại học Công giáo có uy tín ở Jakarta, cô giành vương miện hoa hậu Indonesia năm 2001. Danh tiếng cùng học vị của cô đủ điều kiện thăng tiến trong chính trị. Và giờ đây cô đã vứt bỏ mọi thứ để trở thành một trong những tham quan điển hình của đất nước Indonesia. |
H.N