Từng một thời, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak là những người đồng đội trong đơn vị đặc nhiệm khét tiếng Sayeret Matkal.
Nhưng giờ, trên ghế lãnh đạo đại diện cho hai luồng tư tưởng chính trị xung đột, cả hai sẽ phải đối mặt với một quyết định mang tính sống còn của nhà nước Do Thái: tấn công hay không tấn công Iran, mối đe dọa số 1 cho sự tồn tại của nhà nước Do Thái.
Ông Netanyahu và Barak phải đối đầu nhau trong quyết định nên hay không nên tấn công Iran
Trên chính trường Israel thời điểm này, Barak được nhiều nhà quan sát xem là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất tư tưởng tấn công phủ đầu Iran.
Trong những tháng gần đây, ông nhắc đi nhắc lại khả năng Israel tấn công Iran mà không cần Mỹ bật đèn xanh.
Barak cũng nhấn mạnh Israel sẽ không nghe theo lời khuyên của Mỹ nếu thấy quá trễ. Nhưng tư tưởng ấy có thể bị cản lại bởi Thủ tướng Netanyahu, người tỏ ra bình tĩnh hơn nhiều trong vấn đề này.
Sự đối lập tư tưởng này cũng là điều hoàn toàn có thể lí giải được, nếu biết rằng Netanyahu và Barak đã đi theo hai lộ trình khác nhau kể từ ngày rời Sayeret Matkal.
Lịch sử Israel đến giờ còn ghi nhận năm 1999, Đảng của Barak đánh bại đảng của Netanyahu trong cuộc bầu cử quốc hội với số phiếu áp đảo và ông lên làm thủ tướng.
Nhưng 10 năm sau, Netanyahu thắng trở lại với số phiếu không đủ nên phải thành lập chính phủ liên hiệp và giao cho Barak chức Bộ trưởng quốc phòng.
Trên cương vị đó, Barak từng giúp đỡ Netanyahu rất hiệu quả trong các cuộc thảo luận cùng Mỹ và châu âu về việc ngưng mở rộng khu định cư để cứu vãn tiến trình hòa bình với người Palestin.
Nhưng hiện giờ, những khác biệt ý kiến về chương trình hạt nhân của Iran giữa Barak và Netanyahu lại không liên quan đến tả hay hữu mà là lập trường cá nhân hay nhóm lợi ích.
Barak thích chơi trò “mèo vờn chuột” khi nhiều lần ngụ ý là Israel sẽ đơn phương tấn công Iran. Nhưng Meir Dagan - cựu lãnh đạo Mossad tuyên bố với báo chí Israel là một cuộc tấn công bất ngờ có thể sẽ là thảm họa khó lường cho nhà nước Do Thái.
Theo ông này thì Netanyahu sẽ không chia sẻ trò chơi chiến tranh đầy rủi ro với cấp trên cũ của mình.
Nhìn về lịch sử, nhiều người Israel, cả tả lẫn hữu đều thấy Netanyahu như một chính trị gia thận trọng. Trong hai lần làm thủ tướng, Netanyahu chưa phát động cuộc chiến tranh nào mà quên dành thời gian cho các sáng kiến hòa bình trước đã.
Bennett – một cựu biệt kích nói: “Tôi không biết Netanyahu có đủ tư chất này không trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng như hiện nay”.
Barak luôn cho rằng các cuộc đàm phán chỉ giúp Iran có thêm thời gian để gây chia rẽ Washington-Tel Aviv và rảnh tay theo đuổi mục tiêu hạt nhân.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel tiếp tục căng thẳng khi cả hai nước vẫn giữ quan điểm khác nhau về cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.
Nhưng các nhà phân tích tin rằng Israel sẽ không qua mặt Mỹ vì chưa ước lượng được khả năng giáng trả của Iran và nguy cơ cuộc chiến lan rộng, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Benjamin Netanyahu (từng theo học tại MIT và Havard) và Ehud Barak (tốt nghiệp toán, vật lý và kinh tế tại hai đại học Jerusalem và Stanford) từng là đối thủ của nhau trong chính trường Israel. Netanyahu là thủ tướng 2 lần từ 6.1996 đến 7.1999 và từ 102.2009 đến nay trong chính phủ liên minh cánh hữu do đảng Likhud của ông dẫn đầu. Barack là thủ tướng của Công đảng từ 1999-201, nhưng đến tháng 1.2011 ông rời Công đảng để thành lập đảng mới Independence nhằm giữ thế đa số cho chính phủ liên hiệp cánh hữu khi Công đảng rời liên hiệp.
Trung Nguyên (Theo Foreign Policy, CS Monitor,Jerusalem Post)