Chính trường Mỹ ‘rối loạn’ vì những chỉ trích, đấu đá nội bộ

Chính trường Mỹ ‘rối loạn’ vì những chỉ trích, đấu đá nội bộ

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 2, 27/02/2017 08:25

Chính trường Mỹ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn vì những lời chỉ trích, đấu đá giữa các bên, gồm chính phủ, truyền thông và cộng đồng tình báo.

Ngày 25/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bực dọc lên tiếng chê bai FBI rằng cơ quan này đã “hoàn toàn bất lực” trong việc xác định nguồn gây rò rỉ thông tin cho giới truyền thông.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump khẳng định rằng “những kẻ tuồn thông tin mật, thông tin an ninh quốc gia cho truyền thông nằm trong chính nội bộ chính phủ Mỹ và trong tổ chức FBI.

Tiêu điểm - Chính trường Mỹ ‘rối loạn’ vì những chỉ trích, đấu đá nội bộ

 Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus (trái) và Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI).

“Những thông tin ấy có thể gây ra tác động kinh khủng tới nước Mỹ”, ông Trump hằn học viết.

Những bình luận của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh các hãng truyền thông đưa tin rằng Nhà Trắng đã yêu cầu FBI phải ngăn chặn những thông tin trên truyền thông cho rằng đội ngũ cố vấn của ông Trump đã nhiều lần gặp gỡ lực lượng tình báo Nga trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, FBI đã từ chối yêu cầu trên của Nhà Trắng, theo CNN.

Hãng tin này khẳng định Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus đã gặp Phó giám đốc FBI Andrew McCabe và yêu cầu cơ quan này phải ra tuyên bố phủ nhận bài báo của tờ New York Times ngày 14/2 nói rằng nhóm cố vấn của ông Trump thường xuyên liên lạc với tình báo Nga.

Phía Nhà Trắng Sean Spicer đã lên tiếng phủ nhận về những tin tức trên: “Chúng tôi không muốn FBI ém nhẹm câu chuyện này đi, chúng tôi chỉ muốn họ nói lên sự thật”, ông Spicer tuyên bố.

Trong khi đó, Giám đốc FBI James Comey từ chối đưa ra bình luận về vụ việc bởi hiện FBI đang điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi tháng 11 vừa qua.

Khi những lùm xùm giữa ông Trump – Nhà Trắng – FBI và truyền thông chưa lắng xuống thì phe Dân chủ lại tiếp tục “thêm dầu vào lửa” với những bình luận từ các nghị sĩ và nhà lãnh đạo. Họ lên tiếng công kích những hành động từ phía Nhà Trắng, cho rằng đội ngũ làm việc của ông Trump đã cố ý can thiệp vào quá trình điều tra của FBI và gây áp lực với cơ quan này.

Nhà lãnh đạo thiểu số Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi gọi hành vi của ông Priebus là “sự vi phạm quá mức với sự độc lập của FBI”

“Nhà Trắng đã bị bắt gặp cố ý gây áp lực cho FBI nhằm phá hoại cuộc điều tra quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia, đó là mối liên hệ giữa các quan chức chính quyền Donald Trump với tình báo Nga. Hành động của Nhà Trắng đã vi phạm những bản ghi nhớ của Bộ Tư pháp và cũng có thể là bất hợp pháp”, bà Pelosi nói.

“Sự can thiệp chính trị vào một cuộc điều tra của FBI cho thấy quan chức Nhà Trắng đang lạm dụng quyền lực nghiêm trọng. Những quy tắc của luật pháp cho phép FBI được độc lập và không chịu ảnh hưởng của chính trị trong quá trình diều tra”, người đứng đầu phe thiểu số Hạ viện Mỹ nhấn mạnh.

Thượng nghị sĩ Bob Casey của bang Pennsylvania cũng bày tỏ “sự lo ngại” về việc Nhà Trắng cố gắng can thiệp vào cuộc điều tra của FBI nhằm phủ nhận mối liên hệ giữa các quan chức làm việc cho ông Trump với Nga.

Chính trường Mỹ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, chứng kiến cảnh chỉ trích qua lại giữa các phe phái chính trị và những bên liên quan như truyền thông hay cộng đồng tình báo. Có thể nói, gánh nặng đặt lên vai ông Trump tăng lên gấp đôi khi vừa phải giải quyết những mâu thuẫn từ nội bộ, lại vừa phải tính toán những chính sách đối ngoại của Mỹ sao cho cân bằng. 

Nhưng không phải tới lúc này, chính trị Mỹ mới hỗn loạn. Từ sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử, nước Mỹ đã chia rẽ sâu sắc. Đời sống xã hội chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đời sống chính trị Mỹ có nhiều rạn nứt, thậm chí có cả sự đối lập khi Trump vào Nhà Trắng và đảng Cộng hoà tiếp tục chi phối nhánh lập pháp của nước Mỹ. Thậm chí, sự bất ổn ngày càng tăng thêm khi mà Tổng thống Trump ban hành chính sách nhập cư cũng như có tư tưởng thân thiện với Nga.

Mặc dù tân Tổng thống Mỹ đã giải thích rõ ràng nhưng làn sóng chống đối ông vẫn lan rộng với sự ủng hộ của các chính khách đảng Dân chủ mà tiêu biểu là cựu Tổng thống Barak Obama và cựu ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton - người đã thất bại dưới tay ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. 

Đoàn kết xã hội là một trong những yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng nhất đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Giới quan sát và người dân Mỹ vẫn tiếp tục chờ đợi những hành động cụ thể và dứt khoát hơn của ông Trump hơn là những phát ngôn trên truyền hình hoặc những dòng tweet trên mạng xã hội.

Danh Tuyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.