Chính trường Nhật Bản chao đảo vì bão táp từ nữ Bộ trưởng Quốc phòng

Chính trường Nhật Bản chao đảo vì bão táp từ nữ Bộ trưởng Quốc phòng

Thứ 7, 29/07/2017 14:25

Việc nữ Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada liên tiếp rơi vào các bê bối chính trị và tuyên bố xin từ chức có thể gây ra một cú sốc chính trị mới cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thông tin bà Tomomi Inada, nhân vật thân tín của ông Abe, xin từ chức trước cuộc cải tổ Nội các dự kiến diễn ra vào tuần tới được truyền thông Nhật Bản đưa tin rầm rộ.

Trong một năm nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng, bà Tomomi Inada liên tiếp phải đương đầu với sóng gió chính trường cùng nhiều lần bị kêu gọi từ chức.

Hồi tháng Sáu, bà vấp phải sự chỉ trích của các nghị sĩ đảng đối lập sau khi bà có bài phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử vào cuộc bầu cử hội đồng Thủ đô Tokyo dành cho các ứng cử viên đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Là thành viên của đảng LDP cầm quyền, nhưng bà Tomomi Inada đã kêu gọi các cử tri ủng hộ cho một ứng cử viên cùng đảng. Bà Inada thậm chí còn nhấn mạnh rằng, đề nghị này do “Bộ Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ (SDF), Bộ trưởng Quốc phòng và đảng LDP” đưa ra.

Tuyên bố trên của bà Inada vấp phải phản ứng của các nghị sĩ đảng đối lập vì theo quy định của luật, quân đội Nhật Bản hay Lực lượng Phòng vệ (SDF) phải giữ thái độ trung lập về mặt chính trị, đồng thời các thành viên của SDF bị hạn chế khả năng tham gia các hoạt động chính trị. Việc ủng hộ công khai một ứng viên nào đó là điều bất thường.

Dù Bộ trưởng Inada đã lên tiếng rút lại phát ngôn lỡ lời của mình và thừa nhận rằng những lời nói đó có thể gây hiểu lầm cho người nghe, tuy nhiên, nhiều nghị sĩ, trong đó có lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập (DP) Renho Murata, cho rằng phát ngôn của bà Inada là không thể chấp nhận được và kêu gọi bà Inada từ chức.

Tiêu điểm - Chính trường Nhật Bản chao đảo vì bão táp từ nữ Bộ trưởng Quốc phòng

Trong một năm nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng, bà Tomomi Inada liên tiếp phải đương đầu với sóng gió chính trường cùng nhiều lần bị kêu gọi từ chức.

Dẫu vậy, đây chưa phải là rắc rối lớn trong chuỗi sự kiện gây “mất điểm” cho nữ Bộ trưởng xinh đẹp này. Bê bối khiến uy tín của “bông hồng thép” này bị sụt giảm nghiêm trọng nằm trong cáo buộc bà là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới che đậy thông tin về báo cáo của phái bộ Nhật Bản tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.

Hồi tháng 7/2016, truyền thông Nhật Bản đưa ra nghi vấn về một vụ che đậy thông tin về hoạt động của các binh sĩ Nhật Bản tại Nam Sudan, khi tình hình xung đột tại Nam Sudan bất ngờ căng thẳng.

Giới chức quốc phòng Nhật Bản khi đó cho biết, không thể cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động của lực lượng này vì các nhật ký hoạt động đã bị hủy. Tuy nhiên, sau đó, bộ Quốc phòng Nhật Bản lại thông báo đã tìm thấy các tài liệu này trong một máy tính của Văn phòng Cố vấn quân sự Các lực lượng Phòng vệ và công bố một phần tài liệu.

Những tài liệu này miêu tả phần nào tình hình căng thẳng ở Nam Sudan và việc công bố tài liệu từ năm 2016 có thể ảnh hưởng ngược tới nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp tục triển khai lực lượng cũng như nhận những nhiệm vụ an ninh mới và có khả năng nguy hiểm hơn tại các phái bộ của Liên Hợp Quốc.

Trước sự việc trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã chỉ đạo cơ quan thanh tra của Bộ tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, từ vấn đề liên quan tới báo cáo nói trên, nhiều người đang đặt câu hỏi về năng lực lãnh đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada.

Bà Tomomi Inada bị chỉ trích về việc đánh giá thấp tính nghiêm trọng của cuộc xung đột tại Nam Sudan. Nữ Bộ trưởng cho rằng, đây chỉ là xung đột vũ trang trong khi nhật ký hoạt động hàng ngày của binh sĩ Nhật Bản lại miêu tả đây là những cuộc chiến.

Ngoài ra, bà Inada cũng vướng vào sự việc liên quan tới một pháp nhân trường học có tên là “Moritomo Gakuen”. Ngôi trường này bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc, cùng cáo buộc thông đồng với các nghị sĩ cấp cao để ép bộ Tài chính bán khu đất công tại Osaka với giá chỉ bằng 1/10 giá khu đất tương tự bên cạnh. Với việc làm đại diện pháp lý cho “Moritomo Gakuen”, bà Inada bị cáo buộc “gian dối” khi biện hộ cho ngôi trường này.

Bà Inada, thân tín của ông Abe, nổi tiếng là người có chung quan điểm cứng rắn của chủ nghĩa dân tộc. Bà thậm chí từng được kỳ vọng kế nhiệm ông Abe trong tương lai.

Khi bổ nhiệm bà Inada vào chức danh Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 8/2016, ông Abe luôn tin tưởng đây sẽ là nhân vật có thể “chọn mặt gửi vàng” tạo động lực phát triển.

Tuy nhiên, thực tế những bê bối trong năm qua của bà đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của đương kim Thủ tướng Nhật. Trong nỗ lực cải thiện hình ảnh, tạo nỗ lực ổn định trong lúc đối chọi với những bê bối và sự sụt giảm uy tín, ông Abe có thể sẽ chọn người khác.

Các ứng viên tiềm năng bao gồm ông Itsunori Onodera, cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong hai năm, từ 2012, khi ông Abe trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sự vắng bóng của Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada chắc chắn có thể gây ra một cú sốc chính trị mới cho ông Abe.

Xem thêm >> Lộ căn cứ bí mật của Trung Quốc ở nước ngoài, nhiều sự thực bất ngờ

Đào Vũ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.