Đóng BHXH đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu gây khó khăn
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 17/8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua.
Về giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết số 28 có nêu: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Theo nguyên lý bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu.
Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Việc quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.
Do vậy, Điều 71 dự thảo Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Nghị quyết số 28 đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.
Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như:
Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội;
Bên cạnh đó, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt...
Cần thiết giảm thời gian đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm
Về điều kiện hưởng lương hưu, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, vấn đề này đang còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến tán thành giảm xuống 15 năm và loại ý kiến đề nghị giữ 20 năm như Luật hiện hành.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo của Chính phủ trình về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 25 xuống còn 15 năm.
Theo bà Thanh, quy định phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương, đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 25 xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.
Việc này, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Thêm nữa, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn như là 45-47 tuổi mới tham gia lần đầu mới bắt đầu tham gia hoặc là những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần...
Nêu quan điểm về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.
Trước đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài nên nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.