Chợ họp khi mặt người chưa rõ
Gần 30 năm qua, chợ cá “âm phủ” Tha La, xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc (An Giang) luôn được nhóm họp từ lúc tờ mờ sáng với đầy đủ đặc sản mùa nước nổi của dân chài đem bán cho các bạn hàng tiểu thương (chuyên thu mua đi bán lại). Người ta gắn chợ này với cái tên “âm phủ” vì nó chỉ nhóm họp trong khoảng thời gian từ 2h đến 6h sáng khi chưa rõ mặt người sau đó tự giải tán.
Cứ từ độ đầu tháng Bảy âm lịch, khi nước lũ từ đầu nguồn chảy về cũng là lúc chợ “âm phủ” Tha La bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên so với ngày thường. Chợ “âm phủ” vốn hình thành từ lâu, do dân nghèo nhóm họp tự phát. Ban đầu, chợ chỉ có vài người bày bán vài bó rau diếp cá, rau muống, bông súng, cá tôm... Dần dà, thấy buôn bán được, tiểu thương phát triển thêm và chợ họp ngày càng đông dần.
Chợ họp trên một khu đất trống nằm ở đầu tuyến kênh Tha La, khu vực giáp ranh giữa huyện Tịnh Biên và TP.Châu Đốc (An Giang). Cạnh chợ có một vài quán cóc và 2, 3 căn nhà nhỏ thấp lè tè. Ngày nào cũng vậy, cứ 2-3h sáng là chợ đông đúc, xúm xít với những sản vật đồng quê đặc trưng như: Tôm, cua, ốc, rắn, lươn, cá linh, cá lăng, cá khoai, bông súng... do dân “vạn chài” mới bắt về.
Anh Nguyễn Văn Thảo (41 tuổi, ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, An Giang) gắn bó với chợ “âm phủ” suốt nhiều năm liền. Để chuẩn bị cho mùa lũ năm nay, vợ chồng anh sắm hơn 30 dàn đú loại "12 cửa ngục" để đặt bắt các loại cá, cua, lươn, rắn trên cánh đồng ngập lũ thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Sở dĩ anh Thảo chọn nơi đây để đánh bắt vì nằm gần khu chợ “âm phủ”, rất thuận tiện cho việc cân bán các loại sản vật vừa đánh bắt được. "Chỉ riêng trong đêm, tôi đổ đú bắt được hơn chục cân cá các loại nhưng nhiều nhất vẫn là cá lóc, cá trê, cua, tép và thu được gần 800.000 đồng cho buổi nhóm họp chợ sáng", anh Thảo vui vẻ cho biết.
Mùa sản vật đồng cho thu nhập cao
Gần 3h sáng, chợ Tha La ngày càng nhộn nhịp. Rất đông tiểu thương rôm rả mặc cả các loại đặc sản vừa được dân “vạn chài” đánh bắt về. Họ thường mua đi bán lại, có những người vừa mua đã sang ngay cho bạn hàng khác. Gần sáng, người dân đi tập thể dục về cũng ghé vào mua hàng. Những vị khách du lịch đi ngang qua chợ cũng tò mò vào tìm hiểu, mua về đôi cân đặc sản cá đồng.
Anh Phạm Văn Đủ (ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên) là tiểu thương thu mua các loại cá giao cho các mối quen ở Sư đoàn 330 và đem ra chợ vùng sâu của xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn cũng như chợ Tịnh Biên bán. Đêm, anh ngồi trông ngóng vạn chài như người đợi những chuyến tàu đêm. Mỗi lần nghe tiếng máy nổ của dân mang cá về, anh bừng tỉnh sau đêm dài mệt mỏi. Anh kể, mỗi ngày anh đều đến khu chợ đặc biệt này để thu mua hơn 100kg các loại.
Tại chợ “âm phủ”, các loại đặc sản đồng được tiểu thương mua từ dân chài với giá khá rẻ như: Cá lóc đồng chính hiệu đủ các kích cỡ giá dao động từ 70 ngàn đồng đến 110 ngàn đồng/kg; cá lăng 40 ngàn đồng/kg; tép 80 ngàn đồng/kg; lươn dao động từ 120 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg; cá thác lác 80 ngàn đồng/kg; cá khoai 50 ngàn đồng/kg; ếch 50 ngàn đồng/kg; cua đồng 35 ngàn đồng/kg; cá thiểu 25 ngàn đồng/kg; rắn bông súng được bán với giá 100 ngàn đồng/kg...
Bà Trần Thị Thủy (ở xã Vĩnh Tế) cho biết, trong đêm, chồng bà giăng lưới bắt được hơn 15kg cá lăng. Bà Thủy đem ra chợ “âm phủ”, được hỏi mua với giá 45 ngàn đồng/kg nhưng bà vẫn chưa chịu bán.
Còn theo chị Nguyễn Thị Linh, bạn hàng tại chợ gần 10 năm nay, vào mùa lũ chợ cá “âm phủ” rất nhộn nhịp, đặc sản đồng lại phong phú và giá cả phải chăng nên cho thu nhập cao. "Mấy năm rồi lũ đầu nguồn không về, nguồn thủy sản khan hiếm nên chợ rất thưa, nhưng năm nay lũ về sớm, đem về nguồn thủy sản lớn giúp những người buôn bán như chúng tôi có thu nhập khá cao. Mỗi buổi chợ tôi mua đi bán lại ở các kênh quanh xã Vĩnh Tế có thể kiếm trên 500 ngàn đồng", chị Linh chia sẻ.
Nhưng theo thời gian, cá mắm ngày càng ít dần trong mùa lũ. Nếu ngày trước, mỗi đêm tại chợ Tha La có tới 100 ghe, xuồng đánh bắt và buôn cá đồng thì nay chỉ còn khoảng 25 đầu xuồng. Nhiều người đã tạm gác lại cái nghề hạ bạc, rồi “ly hương” lên Bình Dương làm công nhân ở các khu công nghiệp... Những người còn nặng nợ với chợ “âm phủ” như anh Thảo, bà Thủy, chị Linh... thì luôn trông ngóng về những phiên họp chợ đặc biệt. Khi trời gần sáng cũng là lúc họ cân cá vừa xong, mắt mũi cay xè vì thiếu ngủ. Họ rời chợ “âm phủ”, khuất dần trên cánh đồng lũ...
Văn Dương