Trước nguy cơ dịch cúm A (H7N9) đang diễn tiến phức tạp tại Trung Quốc cũng như dịch cúm A (H5N1) tại tỉnh Đồng Tháp, Ninh Thuận… công tác phòng, chống dịch đang được các địa phương tích cực đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại ở thành phố Hà Nội đó chính là công tác quản lý, phòng ngừa dịch bệnh tại các điểm chợ chim cảnh tự phát đang bị buông lỏng.
Ghi từ chợ chim cảnh nườm nượp khách
Thông tin về dịch cúm A (H7N9) ở Trung Quốc và cúm A (H5N1) ở tỉnh Đồng Tháp, Ninh Thuận đang diễn tiến phức tạp mặc dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, phản ánh nhiều trong mấy ngày qua, song, dường như, chưa “nắm” được thông tin này hoặc phớt lờ nguy cơ cận kề, lượng người dân lui tới các điểm kinh doanh chim cảnh vẫn nườm nườm. Chợ chim cảnh đầu tiên phải kể đến là khu chợ cầu vượt Hoàng Hoa Thám – Văn Cao (quận Tây Hồ – Hà Nội). Điểm chợ này hình thành tự phát trên khu đất đã được giải tỏa mặt bằng thuộc dự án xây cầu và nó thường hoạt động, hút khách vào các sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.
Để hiểu thêm về điểm chợ này, thứ bảy, ngày 13/4, chúng tôi đã tìm đến nơi đây. Mới 8h, thế nhưng, dòng người đổ về đây đã đông nghịt. Cả một dải đất được giải tỏa nay biến thành nơi để chợ chim cảnh họp. Phía sau tấm tôn ngăn cách, các phương tiện xe máy đỗ như nêm. Người bán, người mua chim cảnh cũng đến cả trăm người từ các quận, huyện lân cận như: Hà Đông, Cầu Giấy, Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội), thậm chí có người còn đến từ các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương v.v…
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đi sâu vào trong chợ chim cảnh này chính là việc những lồng chim, tủ chim được bày la liệt khắp các mô đất. Kẻ bán người mua lố nhố, không khác gì là một phiên chợ thông thường.
Anh Văn Đức, 37 tuổi, nhà ở huyện Đan Phượng, Hà Nội vừa bắt chim cho vào bao giấy để bán cho khách cho biết, cứ cuối tuần, anh lại chở chim cảnh ra khu vực này để bán. Theo anh Đức kể, số chim cảnh mà anh thu mua và bắt đem ra chợ bán có xuất xứ từ các tỉnh: Phú Thọ, Thanh Hóa, Hưng Yên… Nhẩm tính, số chim cảnh được bày bán tại nơi đây lên đến hàng trăm con với đa chủng loại. Từ chim chích chòe, mi, sáo… cho đến chim khuyên, chào mào, tất cả đều có ở phiên chợ chim cảnh này. Giá của chim chích chòe là 200 ngàn đồng/con, chào mào là 700 ngàn đồng/con, mi non là 100 ngàn đồng/con v.v…
Phòng dịch hơn dập dịch
Lâu nay, chơi chim cảnh đã trở thành một trong những thú chơi không thể thiếu của nhiều người dân ở Hà Nội và khu vực lân cận. Thú chơi này được chứng minh khi chỉ cần dạo quanh nhiều tuyến phố, ta không khó để bắt gặp hình ảnh các hộ gia đình treo lồng chim trước cổng nhà mình. Và tất nhiên khi có cầu ắt sẽ có cung, nên, các khu chợ chim cảnh tự phát theo đó cũng phát sinh. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như hoạt động kinh doanh này không tiềm ẩn những nguy cơ liên quan đến dịch cúm gia cầm đang diễn tiến phức tạp trong và ngoài nước như hiện nay. Nói vậy cũng bởi, khi ghi nhận tại các điểm chợ chim cảnh ở trên, chúng tôi đều nhận thấy, cả người bán lẫn người mua đều thờ ơ với những cảnh báo đi kèm với hoạt động mua bán gia cầm, chim cảnh của cơ quan chức năng. Mặc cả giá tiền – gửi tiền – rồi kiểm tra, nhận chim trực tiếp bằng tay không có dụng cụ bảo vệ… đó là “công thức” mặc định ở các điểm kinh doanh chim cảnh.
Khi trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Trung Việt – trạm trưởng Trạm Thú y quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng tỏ ra lo ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn đi kèm với các điểm chợ chim cảnh tự phát bày bán các loại chim như hiện nay. Ông Việt cho hay, chim cảnh khi nhiễm dịch bệnh sẽ diễn tiến rất khôn lường, bởi công tác kiểm soát, ngăn chặn sự lây nguồn bệnh của loại gia cầm – chim cảnh này không phải dễ. Bởi nó là động vật hoang dã bay trên trời, không có không gian kiểm soát cố định.
Trên thực tế, vừa qua, tại tỉnh Ninh Thuận cũng đã có hàng ngàn con chim yến bị chết và qua xét nghiệm đã phát hiện trong mẫu chim chết cho dương tính với cúm A (H5N1). Cũng theo ông Việt, trong quý I-2013, Trạm Thú y quận Tây Hồ cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng của quận tiến hành kiểm tra xử lý gần 10 trường hợp kinh doanh gia cầm, chim cảnh không rõ nguồn gốc. Tập trung, tiêu hủy gần 3 tấn sản phẩm gia cầm. Nói về các điểm “chợ” chim cảnh hoạt động trên địa bàn, ông Việt cho hay, tới đây sẽ phối hợp các đơn vị chức năng trong quận thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Nhìn vào thực tế trên, thiết nghĩ ngay lúc này, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cần được quan tâm triển khai tại các khu chợ này. Tránh tình trạng, xảy dịch rồi mới lo dập dịch.
Ông Nguyễn Trung Việt – trạm trưởng Trạm Thú y quận Tây Hồ (Hà Nội): Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, chim cảnh không rõ nguồn gốc, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch cúm gia cầm cho người dân, qua đó giúp người dân (người mua lẫn người bán) nhận thức rõ hệ lụy khôn lường đi kèm với hoạt động kinh doanh mua bán gia cầm, chim cảnh không rõ nguồn gốc. Theo PGS.TS Trần Đắc Thu, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vừa qua đã ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1), số trường hợp mắc cúm A (H5N1) trên người có thể sẽ tiếp tục tăng do các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm, chim vẫn xuất hiện rải rác, trong khi đó việc xử lý triệt để ổ dịch ở các loài chim còn gặp khó khăn. Trước tình hình trên, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các ngành chức năng hữu quan thắt chặt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để những nơi xuất hiện ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm cũng như chim trời, tránh lây lan sang người… |
Theo Công an nhân dân