Thời gian gần đây, tình trạng học sinh nghỉ hè là rất ít, đầu tháng 8 đã phải tựu trường và học được cả tháng mới đến ngày khai giảng (5/9). Thậm chí, những học sinh bắt đầu bước chân vào lớp một đã phải “ôm” cả “núi” sách vở để trau dồi kiến thức trước năm học.
Khi nói chuyện với PV, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc họ cho con đi học trước là để khi con bước vào năm học mới không bị lạc lõng, bơ vơ, bắt kịp được kiến thức mà thầy cô đã dạy. Hơn nữa, việc đi học sớm hơn là để các con có thể học các khóa kĩ năng sống, chương trình trải nghiệm…
Trước vấn đề này, trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, hiện nay, tâm lý nhiều bậc phụ huynh muốn chạy theo thành tích. Sợ con đi học muộn hơn các bạn sẽ không theo kịp, không được điểm cao. Chính điều này áp lực lên trẻ rất nhiều. Trẻ cũng phải gồng mình theo những định hướng mà bố mẹ đưa ra, mất đi tuổi thơ và những ngày tháng vui chơi của trẻ.
“Vẫn biết việc học là vô cùng quan trọng, thế nhưng, học làm sao cho đúng, cho đủ là việc chúng ta cần nhìn nhận lại. Có những ông bố bà mẹ vì không có thời gian trông con nên đã để con phải đi học sớm. Thật buồn với những suy nghĩ như vậy”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhận định.
Cùng trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Giám đốc công ty GD KIDSTIME – chi nhánh Bình Thạnh) nhận định: “Việc một số cha mẹ để cho con đi học trước khai giảng, học thêm theo tôi có ba lý do. Thứ nhất, họ sợ nếu không đi học, cô giáo không thấy tên trong danh sách và sau này con bị cô giáo “chiếu tướng". Thứ hai, họ muốn đi ngược lại đám đông. Thứ ba, muốn con học càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ những lý do họ đưa ra đều đúng cả, không thể trách họ, tất cả những gì các bậc phụ huynh làm là đều vì con cái họ”.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, việc cho con đi học trước hay học thêm thì thường là trong các lý do trên và ai cũng hiểu cả. Tuy nhiên rất khó để thay đổi vì dù nói thế nào thì các em học sinh cũng đang học trong một nền giáo dục áp đặt từ nhà trường xuống học sinh. Áp đặt từ bố mẹ xuống con cái. Và việc học trước khai giảng sau sẽ mất đi ý nghĩa của ngày khai trường.
Mai Thu