Cô bé 15 tuổi bị bố mẹ gả cưới để trừ nợ
Câu chuyện tưởng chừng sẽ không còn xuất hiện trong cuộc sống hiện đại nhưng vẫn đang âm thầm diễn ra ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Son - con gái đầu lòng của vợ chồng ông bà Viên, người dân tộc Mường, chỉ học hết lớp 7 đã phải nghỉ học, phụ giúp gia đình.
Miếng ăn từng bữa gia đình phải chạy vạy khắp nơi, ông Viên lại nghiện rượu, không làm lụng gì nên khó khăn càng thêm chồng chất. Ở nhà hết rượu, ông lại la cà sang xóm láng hoặc đi mua rượu ở bản bên cạnh. Không có tiền, ông cũng vẫn đi mua, nhiều lần như thế, số tiền nợ đã dồn lên cả vài triệu đồng.
Chủ quán rượu là người quen của ông bà Viên tên Sinh, đã mất vợ cách đây vài năm, có 2 cô con gái cũng đã gả đi lấy chồng. Thấy ông Viên nhiều lần sang uống rượu chịu, biết nhà nghèo không có tiền trả nợ nên mỗi lần cùng ngồi với nhau, ông này đều gợi ý đến phương án “trừ nợ khéo”.
Vì trước đó, có lần ông Sinh đến nhà ông bà Viên đòi nợ và nhìn thấy Son, thấy cô bé xinh xắn, chăm chỉ nên đem lòng thương nhớ, muốn cưới làm vợ để có con trai.
Đợi khi khoản nợ lớn, ông Sinh mới thúc ép bố mẹ Son trả nợ, nếu không sẽ báo công an bắt bỏ tù. Biết làm căng cũng không giải quyết được vấn đề nên ông Sinh chuyển sang thái độ mềm dẻo, thuyết phục 2 vợ chồng gả con gái cả cho mình để được xóa nợ.
Không những thế, ông còn hứa hẹn sẽ cho thêm tiền, lương thực của gia đình cũng không cần lo lắng, ông sẽ bao toàn bộ. Thế là ông bà gật đầu, về thu xếp làm đám cưới cho con gái lấy chồng giàu.
Ham vợ trẻ, ông chồng già vướng vào vòng lao lý
Hiện tượng tảo hôn không còn quá mới mẻ với các vùng đồng bào dân tộc vùng núi, đặc biệt khi trình độ văn hóa còn thấp kém. Trong trường hợp này, cũng bắt nguồn từ chính vấn đề thiếu hiểu biết pháp luật nên Son mới bị bố mẹ ép buộc lấy chồng. Trước sự việc, luật sư Lưu Thị Kim Thanh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã đưa ra ý kiến của mình về xử lý hiện tượng tảo hôn.
“Việc nợ tiền ông Sinh, đây là vấn đề dân sự có sự thỏa thuận giữa hai bên, không thuộc lĩnh vực hình sự nên nếu ông Viên không trả được, ông Sinh có quyền khởi kiện đòi tài sản lên tòa án chứ không thể tố cáo lên công an để xử lý theo các chế tài hình sự. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, việc thỏa thuận gả con gái để trừ nợ là hành vi không chấp nhận được.
Trong trường hợp này, hoàn cảnh gia đình éo le, nghèo khổ không thể biện minh cho việc coi con gái là “món đồ” có thể chuyển nhượng bằng tiền, lấp đi số nợ trước đó. Mặc dù, bố mẹ nào cũng thương con nhưng nhẫn tâm để cô con gái mới 15 tuổi làm vợ của một ông chú ngoài 50 là vi phạm quy định của pháp luật”, luật sư Thanh nói.
Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, đáng nhẽ Son phải được đi học, vui chơi cùng bạn bè, nhưng hoàn cảnh không cho phép, cố bé đã sớm khổ cực lao động phụ giúp gia đình và trở thành vợ của một người đàn ông lớn tuổi... đó là điều khiến chúng ta càng thêm suy ngẫm.
Khi về chung sống với ông Sinh, nếu như có con ở độ tuổi này là điều hết sức nguy hiểm. Bản thân Son chưa đủ chín chắn về nhận thức, chưa đảm bảo sức khỏe cho việc sinh con nên sẽ ảnh hưởng rất lớn về sự phát triển thể chất sau này.
Đám cưới giữa bé Son và ông Sinh chắc chắn không được chính quyền địa phương và pháp luật công nhận. Theo quy định tại luật Hôn nhân và gia đình 2014, hôn nhân phải theo chế độ tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng pháp luật. Độ tuổi kết hôn được quy định cụ thể đối với nam là từ đủ 20, nữ từ đủ 18 tuổi.
Tuy nhiên, Son mới chỉ 15 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn. Do đó việc để gả con, làm đám cưới với chủ nợ của mình mà ông bà Viên có thể sẽ bị trừng trị theo pháp luật về hành vi tổ chức tảo hôn.
Riêng đối với hành vi của Sinh,vì mong muốn có thêm con trai nên ông ta sẵn sàng dùng tiền để “mua chuộc” bố mẹ Son, cưới cô bé về làm vợ. Tuy nhiên, không thể ngờ rằng, vì cô vợ trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên nên hành vi quan hệ tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi, mặc dù có sự thuận tình nhưng vẫn phạm tội Giao cấu với trẻ em, mức phạt cao nhất là 5 năm tù giam.
*Câu chuyện pháp luật*
Dương Nhung