Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp lại nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới tại Nhật Bản. Kể từ lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo gặp mặt ở Helsinki năm ngoái, thế giới đã có nhiều thay đổi, theo RT.
Cuộc gặp giữa hai chính khách nổi tiếng nhất thế giới đã gây ra tranh cãi ngay cả trước khi diễn ra.
Nói với Financial Times trước cuộc họp, ông Putin cho biết, thế giới đã thay đổi đáng kể sau cuộc thảo luận cuối cùng với Tổng thống Trump - và thật không may, nó không phải là thay đổi theo cách tốt hơn.
“Tôi sẽ thận trọng khi nói rằng tình hình không thay đổi theo chiều hướng tốt. Mặc dù tôi vẫn lạc quan ở một mức độ nhất định, nhưng thực sự mà nói, tình thế hiện tại đã trở nên kịch tính và bùng nổ hơn”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Sau kết luận của công tố viên đặc biệt Robert Mueller
Hai vị Tổng thống Nga-Mỹ đã có cuộc điện đàm ngay sau khi kết luận của công tố viên đặc biệt Muller được đưa ra. Tổng thống Trump cho biết, ông và người đồng cấp Putin đã nói chuyện suốt một giờ đồng hồ về cái gọi là “trò lừa liên quan đến Nga” và “cuộc săn phù thủy” của đảng Dân chủ nhằm vào ông.
Tuy nhiên, cuộc họp ở Osaka sẽ là cuộc nói chuyện trực tiếp đầu tiên của hai người kể từ khi ông Trump được “giải oan” trong cáo buộc thông đồng với các quan chức Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 – điều mà truyền thông và phe đối lập liên tục chỉ trích ông trong hơn hai năm qua.
Theo RT, giới truyền thông chắc chắn sẽ theo dõi mọi cử chỉ của ông Trump để tìm ra thêm bất kỳ "tín hiệu" nào mà họ cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ đang có sự gần gũi với Nga.
Iran căng như dây đàn
Cuộc họp cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran đạt đến một tầm cao mới. Ông Trump đã đe dọa xóa sổ Iran hai lần trong tuần qua.
Washington trước đó đã đổ lỗi cho Tehran về cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman, nhưng ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này. Ông Trump cũng đã tính đến một phản ứng quân sự đáp trả vụ Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, nhưng đã nghĩ lại vào phút cuối.
Trước đó, các quan chức Moscow đã cảnh báo chống lại hành động bôi nhọ Iran – một trong những đối tác quan trọng của Nga trong khu vực. Do đó, giới quan sát tin rằng, Tổng thống Putin có thể sẽ khuyên ông Trump giữ một cái đầu lạnh và ngăn chặn căng thẳng tăng thêm.
Ông cũng có thể sẽ tranh luận với nhà lãnh đạo Mỹ để chống lại áp lực của Washington đối với Tehran trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới.
Kiểm soát vũ khí
Hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến sẽ dành một khoảng thời gian trong các cuộc đàm phán của họ cho vấn đề kiểm soát vũ khí.
Tổng thống Trump đã đưa ra ý tưởng về một thỏa thuận hạt nhân mới với Nga hồi tháng 5. Ông trước đó đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, vốn là một vấn đề liên quan đến an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Cả hai bên đã nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí có thể được Tim Morrison, chuyên gia kiểm soát vũ khí của hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thực hiện. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Morrison không được coi là điềm lành cho mối quan hệ dần cải thiện giữa Moscow và Washington.
Chuyên gia vũ khí hạt nhân được biết đến là một người cứng rắn và là đồng minh thân cận của nhân vật “diều hâu” hàng đầu - Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.
Các biện pháp trừng phạt
Các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga đã được áp dụng vào tháng 5/2019. Với việc hai nước không thực sự có được mối quan hệ thân thiện, những lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt mới luôn xuất hiện.
Quốc hội Mỹ dự tính sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đường ống Nord Stream của Nga như một sự khiển trách đối với các nước châu Âu, cố gắng ép họ từ bỏ năng lượng của Nga để ủng hộ nguồn khí đốt tự nhiên xuất khẩu đắt tiền hơn của Mỹ .
Phát ngôn viên của Điện Kremlin, Dmitry Peskov hồi tháng trước nói rằng, nếu ông Trump chân thành về việc muốn đi cùng với Nga thì Mỹ không nên áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.
Hai người cũng có thể sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Syria, sự ổn định ở Ukraine và những nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm lật đổ Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro ở Venezuela, điều mà Moscow cũng đã lên tiếng chống lại.
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Những thay đổi trong môi trường thương mại kinh tế toàn cầu đã được quy định bởi chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump và sự xích mích liên tục trong quan hệ Trung-Mỹ cũng có thể sẽ được thảo luận.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, ông đã thực hiện sứ mệnh của mình là khắc phục thâm hụt thương mại “không công bằng” với các đối tác thương mại truyền thống, bao gồm Liên minh châu Âu, Mexico, Canada và đặc biệt là Trung Quốc.
Để gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ, Mỹ đã áp đặt nhiều vòng thuế quan đối với hàng hóa trị giá hơn 250 tỷ USD của Trung Quốc. Bắc Kinh đã trả đũa bằng thuế quan đối với 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, cáo buộc Washingotn vi phạm các quy tắc thương mại tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mặc dù có nhiều vòng đàm phán với nhau nhưng ông Trump một lần nữa cảnh báo rằng, ông sẵn sàng áp đặt nhiều mức thuế hơn trừ khi Bắc Kinh đáp ứng nhu cầu thương mại của Mỹ.
Ngoài Trung Quốc, ông Trump còn lôi kéo Ấn Độ bằng chính sách ngoại giao cưỡng chế của mình, khi căng thẳng thương mại giữa hai nước tiếp tục sôi sục. Vào tháng 6, ông Trump đã chấm dứt ưu đãi thương mại cho Ấn Độ, buộc New Delhi phải mở cửa thị trường lớn của đất nước theo các điều khoản phù hợp nhất với Mỹ.
Nga – một quốc gia cũng liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ - sẽ tìm kiếm sự đồng thuận thương mại toàn cầu chung tại G-20, để đưa ra một số quy tắc chung mà các nước sẽ tuân theo, vào thời điểm mà Washington dường như đang muốn áp đặt ý chí của mình lên toàn bộ thế giới.