"Gà đầu trọc" bị... khai tử?
Trưa 24/12, PV đã có mặt tại chợ gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội), nơi được mệnh danh là "kinh đô gia cầm lớn nhất miền Bắc", dù đã quá ngọ nhưng cảnh buôn bán vẫn tấp nập, thi thoảng lại có vài chiếc xe chở hàng đỗ xịch hỏi giá. Ngoài cổng chợ, chừng 1 tiếng lại có một xe tải chở hàng cung cấp cho chợ và một vài xe đóng gà chở đi Hà Nội, Xuân Mai và các tỉnh lân cận. Theo bà Duyên, chủ một ki ốt gà tại chợ cho biết: Cả chợ có 162 ki ốt hoạt động cả ngày lẫn đêm, vào tất cả các buổi trong tuần. Tấp nập nhất có lẽ vào khoảng thời gian từ 3 - 5h sáng.
Chừng 12h30', một chiếc xe tải cỡ lớn xếp chật kín các thùng gà phóng thẳng vào trong chợ. Ông Nguyễn Văn Tùng (một lái buôn lâu năm tại chợ) cho biết, gà đã được kiểm dịch từ các trại chăn nuôi trước khi mang vào chợ. Theo số liệu của cục Thú y (bộ NN&PTNT), vào thời điểm tháng 8/2012, mỗi ngày có khoảng 3 - 4 xe tải chở 10 - 15 tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc tràn về chợ Hà Vỹ. Điều này làm cho tình hình kiểm soát dịch bệnh và thị trường gia cầm chao đảo thì hiện nay, gà loại đã bị… "chặt đứt dây".
Chợ gà lớn nhất miền Bắc này hoạt động 24/24h
Một chủ xe ôm chuyên chở gà từ Hà Vỹ về Hà Nội tên Hùng tiết lộ, gà Trung Quốc trước đây tràn vào chợ gia cầm Hà Vỹ gọi là gà mía Tàu (còn có tên gọi khác là gà trọc đầu). Giá của loại gà này khá rẻ chỉ dao động từ 30 - 40.000 đồng/kg. Thời đó, hầu như tất cả các chủ hàng trong chợ đều kinh doanh loại gà này vì giá rẻ, lợi nhuận cao, với nhiều chiêu lách các chốt kiểm dịch vô cùng tinh vi. Gà Tàu nhập về chỉ cần thả ra, nhốt qua một đêm là nghiễm nhiên hôm sau sẽ được gắn mác gà Bắc Giang, gà ta hay gà Đông Anh. "Mỗi chuyến trên chiếc xe cà tàng, tôi chở chừng 2,2 - 2,5 tạ gà mía Tàu, cung cấp cho một vài nhà hàng, quán ăn khu vực trường đại học Bách Khoa, chợ Mơ, Thái Thịnh, Ngã Tư Sở", anh Hùng nói.
Tại chợ Hà Vỹ chỉ 2 tháng trước, gà công nghiệp rẻ nhất chỉ dao động khoảng 20 - 25 nghìn đồng/kg. Gà mía Bắc Giang thì giá 65 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, gà mía Trung Quốc có da giòn, thịt dai, trọng lượng nhỏ nên rất giống với đặc điểm gà ta nên được tiêu thụ nhiều. Với loại gà này cánh lái buôn nhìn là phát hiện ra nhưng phía người tiêu dùng khi mua gà đã làm thịt không thể phân biệt được.
Tuy nhiên, theo anh Hùng, muốn tìm gà mía Tàu tại chợ Hà Vỹ thời gian này rất khó. Nhiều chủ hàng cũng muốn tìm cơ hội để nhập nhưng đành ngậm ngùi chuyển qua kinh doanh gà tam hoàng hay gà Đông Anh. "Giá gà thời gian này đang tăng mạnh, gà Tàu giờ về Việt Nam khó do bị "đánh mạnh", mà cho dù có về được thì cũng phải có giá 80.000 đồng chứ không còn giá bèo như trước đâu. Để mua gà làm hàng thì kiếm gà tam hoàng là rẻ nhất tại chợ Hà Vỹ hiện nay, chừng 75.000 đồng, các loại gà khác thì có giá 90.000 đồng trở lên", anh Hùng nói.
Khảo sát nhiều ki ốt gà trong chợ, khi thấy chúng tôi hỏi mua loại gà Tàu giá rẻ, hầu hết các chủ hàng đều lắc đầu, xua tay. Một chủ hàng tên Hường khẳng định: "Trung bình mỗi ngày em nhập một chuyến vài tạ gà, kiểm dịch từ trại chăn nuôi, gà Tàu bây giờ không có một con nào hết. Ngày xưa nhà em buôn gà Tàu giờ phải chuyển hết qua hàng công ty, hàng của các trang trại hay những hộ chăn nuôi có chứng nhận kiểm dịch". Như tưởng chúng tôi còn hoài nghi, chị Hường nói với theo: "Đi khắp chợ, khắp xã bây giờ cũng chẳng còn nhà ai có gà Tàu đâu, giờ cấm hết rồi, nếu có nhà em vẫn mua chứ việc gì phải bắt gà ta như thế này, lãi lời chẳng được là bao".
Trước đó, ngày 7/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu 3 bộ, bao gồm bộ Công Thương, bộ NN&PTNT và bộ Công an lên phương án làm "sạch" chợ gia cầm Hà Vỹ. Ngay sau đó, nhờ sự vào cuộc và xử lý kiên quyết của các ban, ngành liên quan mà bộ mặt của chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc này hiện đã đổi khác. Tới Hà Vỹ, đi khắp chợ, PV Người Đưa Tin đã không thấy xuất hiện loại gà đầu trọc với giá bèo nhập từ Trung Quốc.
Giấy biên nhận mua bán gia cầm có xác nhận của chính quyền địa phương
"Gà nội" đội giá... lên trời
Một chủ ki ốt gà tên Thoa vừa liến thoắng trao đổi với khách vừa trả lời nhát gừng những câu hỏi giá cả gà của PV. Khi PV ngỏ ý muốn mua một loại gà rẻ về làm hàng kèm với gà đắt nhằm giảm chi phí, bà Thoa xua tay: "Gà 20 - 40.000 đồng/kg là rẻ nhất ở chợ này nhưng chỉ có ở chợ cách đây chừng 2 tháng. Đó là loại gà Trung Quốc mà giới lái buôn gọi gà này với cái tên gà mía. Từ khi gà mía Trung Quốc bị cấm thì chừng 2 tháng nay giá gà tăng mạnh, trung bình các loại gà tăng từ 30 - 60.000 đồng/kg". Nói đoạn, bà Thoa chỉ tay qua phía trước mặt chỗ đang có cả ngàn con gà trắng. Đây là gà công nghiệp, nuôi 3 tháng được 3,5kg, giá rẻ nhất tại chợ, chừng 50 - 57.000 đồng/kg
Nguồn gà lậu bị ngăn chặn, giá cả gà ở chợ đầu mối này và giá gà trong nước thời gian gần đây đội giá liên tục. Hiện, tại chợ Hà Vỹ, gà mía Đông Anh, gà ta Bắc Giang có giá 95 - 100.000 đồng/kg, gà Ai Cập có giá 120.000 đồng/kg và gà tam hoàng có giá 70 - 80.000 đồng/kg. Giá gà sẽ còn tiếp tục tăng trong thời điểm trước và sau tết.
Theo tìm hiểu của PV, hiện tại một số chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội, giá gà Bắc Giang, Đông Anh dao động từ 120 - 150.000 đồng/kg, giá gà ta nhỉnh hơn một chút. Trò chuyện một hồi, bà Thoa tiết lộ: "Nhiều chủ gà nhận cung cấp cho các nhà hàng trong thành phố Hà Nội hiện nay chỉ mong phía nhà hàng cắt hợp đồng. Ngày trước, giá cung cấp gà cho nhà hàng rẻ vì có cả gà ngon, gà giá bèo, nay thì gà tăng giá vùn vụt, phía nhà hàng thì nhất định tính giá cũ, cánh lái buôn thì chẳng kiếm đâu ra gà có giá hơn 30.000 đồng để trộn lẫn vào nữa nên cầm chắc lỗ".
Đang đóng một xe tải gà để chuẩn bị vận chuyển lên phía thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), ông Lê Văn Tăng tiếp câu chuyện: "Giá gà hiện nay lên theo quy luật chung. Hàng rẻ, hàng thải bị cấm, buôn bán các loại gà khác thì tiêu thụ không được mạnh, các chủ hàng chẳng kiếm đâu ra mánh lới nhằm thu lợi nhiều nên cũng cầm cự giai đoạn này.
Xen vào giữa câu chuyện, một thanh niên lái xe cho ông Tăng nói: "Trước đây, tôi chuyên buôn gà Tàu nhưng giờ không nhập được nữa". Khi được hỏi về các công đoạn kiểm dịch gà tại chợ và mối lo dịch bệnh hiện nay, thanh niên này cho biết: "Việc kiểm dịch tại chợ không quan trọng lắm bởi các loại gà hiện có mặt trong chợ thường được tiêm phòng một tháng một lần. Mỗi trại gà nuôi cả ngàn con được chăm sóc hơn cả người nên không bị rù, hạn chế tối đa dịch bệnh".
Có thể lên tới 60 tấn gia cầm về chợ/ngày Ông Nguyễn Văn Thuận, phó chủ tịch xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, việc kiểm duyệt chất lượng gà được tiến hành chặt chẽ ở tất các các khâu, từ điểm gốc tới nơi trung chuyển, từ nơi vận chuyển tới nơi tiêu thụ. Lúc cao điểm, gia cầm về chợ lên tới 40 - 60 tấn/ngày, tuy nhiên, thời điểm này mức tiêu thụ giảm chỉ còn khoảng 50%. Từ đầu năm đến nay, trạm Thú y Thường Tín phối hợp với lực lượng liên ngành đã bắt và tiêu hủy 13 tấn gà nhập lậu, tăng 10 tấn so với cùng kỳ năm 2011. Hiện, hầu hết các hộ kinh doanh gia cầm trong chợ Hà Vỹ đều có giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi một đợt nhập gia cầm của hộ buôn bán gia cầm, phía người chăn nuôi và phía người mua có một giấy biên nhận có xác minh của thú y xã và xác nhận của UBND xã. Cũng theo ông Thuận, khi công tác kiểm dịch được thắt chặt trên phía biên giới thí nguồn gà lậu, gà thải cũng hết đường tuồn vào Hà Vỹ nói riêng và cả nước nói chung. |
Bình Minh - Yến Dương