Theo SciTech Daily, công trình đột phá được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Osaka (Nhật Bản), dựa trên phát hiện quan trọng về loài giun tròn Anisakis simplex.
Anisakis simplex thường ký sinh trong các động vật biển, là một tác nhân gây bệnh khá nguy hiểm cho con người khi lỡ ăn phải ấu trùng của nó (do thói quen ăn hải sản sống).
Tuy nhiên giun Anisakis simplex có một đặc điểm sinh học đặc biệt mà các nhà khoa học có thể lợi dụng: Thích tế bào ung thư, dễ dàng ngửi mùi khối u và gắn vào nó khi xâm nhập cơ thể.
"Anisakis simplex có thể phát hiện “mùi” và bám vào tế bào ung thư. Điều này khiến chúng tôi tự hỏi liệu có thể sử dụng chúng để vận chuyển trực tiếp thuốc điều trị đến tế bào ung thư bên trong cơ thể người hay không", Wildan Mubarok, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển cho những con giun này một chiếc áo giáp đặc biệt bằng hydrogel bằng cách nhúng chúng vào một loạt các dung dịch hóa học. Một lớp gel bền vững dày chỉ 0,01 mm được bao bọc quanh cơ thể chúng chỉ sau 20 phút. Theo Shinji Sakai, đồng tác giả nghiên cứu, lớp vỏ không ảnh hưởng tới khả năng sinh tồn của giun, đủ co giãn để giun tiếp tục chuyển động, tìm kiếm mùi và tín hiệu hóa học.
Sau đó, họ "nạp" vào chiếc áo giáp hydrogel này các phân tử chức năng giúp bảo vệ giun khỏi tia cực tím hoặc các tác nhân có hại có thể được tạo ra bởi các phương pháp điều trị ung thư.
Cuối cùng, các thuốc chống ung thư sẽ được giấu trong lớp áo giáp này. Khi xâm nhập vào cơ thể và tìm đến khối u, các con giun tròn sẽ trở thành "người vận chuyển" thuốc một cách hữu hiệu và chuẩn xác.
Theo nhà nghiên cứu Wildan Mubarok, quy trình nói trên đã thành công trong bước nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, khi những con giun này nhận nhiệm vụ diệt tế bào ung thư trong ống nghiệm. Họ sẽ tiếp tục tiến tới các thử nghiệm động vật và thử nghiệm lâm sàng, với hy vọng sớm đưa ra một phương pháp điều trị ung thư tân tiến.
Với tính thích ứng cao của lớp vỏ hydro, hệ thống dựa trên giun tròn này hứa hẹn không chỉ đưa thuốc tới tế bào ung thư ở bệnh nhân mà còn có nhiều ứng dụng tiềm năng trong các lĩnh vực khác như đưa vi khuẩn có lợi tới rễ cây.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Materials Today Bio.
Minh Hoa (t/h)