Không phải người ta không biết hậu quả, nhưng đứng trước sức cám dỗ của đồng tiền và vật chất từ thế giới bên ngoài, nhiều người, nhiều gia đình vẫn nhắm mắt làm liều ký vào tờ giấy ly hôn rồi lại kết hôn. Thậm chí, có người còn không nhớ và viết được cho đúng cái tên của người chồng, người vợ ngoại quốc của mình.
Trăm nẻo đường kết hôn giả
Ôm cháu bé trong lòng, cháu cứ bi bô kể đủ mọi thứ chuyện, từ chuyện cô giáo dạy múa dạy hát, chuyện ông bà nội mới mua cho cái hồ bơi bằng phao nhân dịp sinh nhật, chuyện bố mẹ mới đưa cháu đi chơi công viên Đầm Sen… Đang dở câu chuyện với cháu thì thấy có người đàn ông tên Sang đến đón, cháu bé chạy đến ôm chầm lấy cổ bố rồi quay sang chào chúng tôi: "Con chào các cô con về".
Khi bóng hai cha con đi khuất, người bạn mới quay sang bảo tôi: "Là cha con thật đấy, nhưng mà về giấy tờ thì cháu vẫn không phải là con của bố cháu". Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, người bạn hiện đang làm giáo viên mầm non một trường tư thục ở quận 9, TP.HCM cho biết, mẹ cháu bé cách đây mấy năm có đi xuất khẩu lao động bằng con đường kết hôn giả.
Đến khi về nước, vợ chồng mới sinh ra cháu. Nhưng do chưa có quyết định ly hôn với người đàn ông ngoại quốc kia, chồng chị trên danh nghĩa cũng chỉ là chồng cũ nên giấy tờ khai sinh cho cháu vẫn chưa được hoàn tất. Cháu khó xin đi học ở các trường công nên phải học ở trường tư thục.
Câu chuyện tình cờ được biết cách đây không lâu cứ ám ảnh tôi mãi. Ba tiếng "kết hôn giả" cứ lởn vởn trong đầu, bởi lẽ đã gọi là kết hôn đều phải có giấy tờ, được đóng dấu, được chứng nhận thì mọi thứ đều phải là thật. Hoá ra, cái đám giấy tờ thật ấy cũng chỉ để chứng nhận cho một cuộc hôn nhân giả mà tất cả động lực phía sau cũng chỉ là vì sức cám dỗ của đồng tiền.
Kết hôn với người nước ngoài rất khó chứng minh thật giả (Ảnh minh họa).
Mỗi năm, trong cả nước phát hiện và xử lý hàng chục vụ môi giới kết hôn với người nước ngoài, có đến hàng ngàn người được xuất cảnh với chức danh "là vợ, là chồng".
Để được "là vợ, là chồng" với những người nước ngoài, có người phải bỏ ra đến hàng ngàn đô la Mỹ - con số không nhỏ với những người dân lao động chất phác. Để rồi may mắn, sau một vài năm tha hương, quần quật làm những công việc chân tay nặng nhọc với giá "rẻ bèo" hơn nhiều lần so với công giá của những người dân nước đó, "người vợ, người chồng" này trở về nước với vài trăm triệu dắt lưng. Không may mắn thì tiền mất, tật mang, bị đuổi về nước với tình trạng kiệt quệ, bệnh tật. Không may nữa thì trở về trong bình tro tàn với nỗi buồn khôn xiết của người thân.
Thậm chí, ở các tỉnh miền Tây, có những làng được gọi là "làng lấy chồng nước ngoài", "làng xuất khẩu lao động". Có gia đình, chị lấy chồng nước ngoài "giả" rồi đến lượt em gái cũng theo chân. Đến khi có đủ tiền vốn dắt lưng về nước, lại khiến cha mẹ già phiền lòng vì nỗi "con gái ế" cứ đeo trên đầu. Mấy ai người ta tin, mấy ai người ta dám lấy người con gái đã mang tiếng "một đời chồng"…Những câu hò trên sông cứ vọng mãi, buồn mãi không thôi.
Luật pháp cấm nhưng kết hôn giả vẫn tiếp tục "lách luật"
Không dễ xử lý Trong luật Hôn nhân và Gia đình cũng đã có quy định rõ ràng về "cấm kết hôn giả" nhưng cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp nào hữu hiệu được thực hiện. "Chợ kết hôn giả" vẫn sôi động với mức "giao dịch" giao động trong khoảng 20.000 USD/vụ, khó "tuýt còi", khó xử lý cũng chỉ vì chứng minh được thế nào là kết hôn giả không dễ chút nào. |
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Công Khanh, cục trưởng cục Hộ tịch, Quốc tịch (bộ Tư pháp) bắt đầu từ câu chuyện một Việt kiều Đức liên tiếp về nước kết hôn hết năm này sang năm khác. Tưởng người đàn ông này ham "tắm ao ta", nhưng rồi các cán bộ hộ tịch cũng phải để ý vì dăm lần bảy lượt, mỗi lần ông ta đều đến đăng ký với một người phụ nữ khác nhau.
Truy tìm trong hồ sơ, người ta mới giật ngửa ra vì trong chín năm, ông Việt kiều này đã liên tục kết hôn rồi ly hôn tới 3 người vợ khác nhau. Chưa dừng lại ở đó, sau một thời gian, ông này lại dẫn người phụ nữ thứ tư đến đăng ký kết hôn. Các cán bộ hộ tịch cũng hỏi cặn kẽ, đồng thời thực hiện biện pháp tâm lý, khuyên giải với đôi vợ chồng mới này nhưng không mang lại kết quả như ý.
Trường hợp người Việt kiều Đức đó không phải là trường hợp cá biệt, nhiều trường hợp cán bộ hộ tịch biết rõ ràng mười mươi là kết hôn giả nhưng không thể "cấm" vì khó chứng minh được khi cả "hai vợ chồng" đã có sự thống nhất trong tất cả lời khai của mình. Ông Khanh cho rằng đã đến lúc cần có quy định xử phạt những trường hợp kết hôn giả để xuất cảnh ra nước ngoài một cách thực tiễn, nếu chỉ dừng ở việc từ chối đăng ký kết hôn thì không thể nào giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về việc kết hôn nhưng không quy định rõ về mục đích và điều kiện kết hôn cho nên vẫn chưa có căn cứ nào để xác định việc kết hôn giả. Người kết hôn giả vẫn có cơ hội "lách luật". Nếu chỉ bỏ ra khoảng 20.000 USD để có được "giấy thông hành" ra nước ngoài bằng con đường lấy chồng, lấy vợ, nhiều người vẫn sẵn sàng chi.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kết hôn giả là cần thiết và phù hợp với quy định "cấm kết hôn giả" được quy định tại khoản 2, điều 4 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Luật ghi rõ nhưng cũng chỉ là xử phạt hành chính, mặt khác vẫn thiếu cơ sở để xác minh "kết hôn thật" và "kết hôn giả" nên tính khả thi vẫn là dấu chấm lửng khó có câu trả lời sau cùng.
Hón Thỵ