Nguồn gốc tài sản của quan chức luôn là đề tài được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi có minh bạch được nguồn gốc tài sản, thu nhập của người có chức vụ thì việc ngăn ngừa tham nhũng mới hiệu quả. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông (ĐBQH khóa XI, XII) về vấn đề thời sự này.
PV: Việc công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý sắp diễn ra được dư luận quan tâm. Tuy nhiên không chỉ trường hợp ông Quý mà trong nhiều vụ việc khi dư luận thắc mắc về các khối tải sản khổng lồ của quan chức, chúng ta hay được nghe lý giải về nguồn gốc không mấy thuyết phục, thậm chí có phần hài hước. Ông có thấy như vậy?
Ông Lê Văn Cuông: Việc có dư luận hoài nghi về tài sản khủng của cán bộ, quan chức thời gian vừa qua, tôi có đọc thấy họ trả lời khá hài hước về nguồn gốc tài sản. Cụ thể như ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở TN&MT tỉnh Yên Bái có giải thích là từ “làm chổi đót, làm trang trại…”. Đúng là họ có quyền phát ngôn bao biện cho tài sản của mình. Nhưng ý kiến đó có được dư luận và cơ quan chức năng chấp nhận hay không là chuyện khác. Trình độ nghiệp vụ, dân trí của người dân, cơ quan chức năng bây giờ không phải nói, kê khai như thế nào người ta cũng chấp nhận. Tất cả đều phải có căn cứ thuyết phục. Đương sự có quyền giãi bày, chẳng lẽ họ lại “lạy ông tôi ở bụi này”, nhận tài sản đó là từ tham ô mà có. Không cần hỏi, chúng ta cũng thừa biết câu trả lời của cán bộ, quan chức. Ai lại “vạch áo cho người xem lưng”.
PV: Chờ đợi sự trung thực của họ quá khó như vậy người dân sẽ mãi hoài nghi?
Ông Lê Văn Cuông: Vấn đề là cơ quan chức năng không thể tin vào lời nói một phía, không căn cứ được. Các cơ quan có trách nhiệm phải đi đến tận cùng, tận nơi sự vụ. Tôi ví dụ như ông Phạm Sỹ Quý có nói là vay ngân hàng hơn 20 tỷ đồng. Vậy có thật là vay không, vay với tư cách gì. Điều này tìm ra rất dễ. Ông Quý có nói tài sản có được từ làm trang trại và buôn chổi đót…, các công việc này nhiều người làm chứ không phải riêng một mình gia đình ông Quý.
Chính vì thế, tôi trông chờ vào kết luận của Thanh tra Chính phủ làm rõ được các thắc mắc nghi ngờ của dư luận bấy lâu nay.
Thực tế vấn đề tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn bao giờ cũng tinh vi. Đặc biệt trong điều kiện của Việt Nam quản lý thu nhập còn sơ hở, thiếu sót, luật pháp chưa đồng bộ, quản lý thu nhập chưa tốt, kê khai của các đối tượng chưa trung thực…Chính vì thế, việc xác minh tài sản có đúng là do tham ô, tham nhũng hay không là căn cứ thu hồi tài sản bất minh. Nếu đó là thu nhập chính đáng, họ có quyền tự hào về công sức của họ.
PV: Vấn đề quan trọng nhất là phải làm minh bạch tài sản của cán bộ quan chức, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Đúng như vậy. Ngay trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, tôi cho rằng cơ quan chức năng cũng phải làm rõ số tài sản khổng lồ của bà do đâu mà có, do cơ chế sơ hở hay có cách thức “mẹo mực” chuyển từ tài sản Nhà nước sang tư nhân…Các cơ quan chức năng vào cuộc thì với nghiệp vụ, quy định pháp luật, tình hình thực tế của Việt Nam sẽ làm rõ được vấn đề. Nếu không giải trình được nguồn gốc cụ thể tài sản thì đó là tài sản bất minh và phải thu hồi.
Thực tế thời gian qua đã chứng minh, bên cạnh vấn nạn chạy chức, chạy quyền, việc tạo ra những doanh nghiệp sân sau sẽ đem lại nguồn thu lớn cho cán bộ. Tôi ví dụ, nhiều dự án có số tiền đầu tư lớn, người ta sẽ chỉ định thầu để đem lại lợi ích cho một nhóm người. Hoặc nếu có tổ chức đấu thầu thì họ đã bố trí sắp xếp sẵn "quân xanh, quân đỏ". Còn kết quả thì đã được biết trước. Chính vì thế, minh bạch được nguồn gốc tài sản sẽ lộ ra những mảng tối này.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm (thực hiện)