Chợ kịch điện tử: Cứu sự 'thất thế' của sân khấu kịch?

Chợ kịch điện tử: Cứu sự 'thất thế' của sân khấu kịch?

Thứ 3, 23/07/2013 15:04

Sự ra đời của chợ kịch được nhiều người tâm huyết với loại hình nghệ thuật này chờ đợi. Nhưng chợ kịch có thể đạt được như kỳ vọng hay không, vẫn còn ở thì tương lai gần.

Mòn đường nghệ thuật sân khấu

Chợ kịch (trang web chokich.vn), dự kiến ra mắt chính thức vào cuối tháng 7 tới đây là một dấn thân nữa của nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nền sân khấu kịch Việt Nam. Cuộc kết nối bán mua giữa các tác giả viết kịch bản sân khấu, với các đạo diễn sân khấu kịch sẽ thông qua một chợ kịch điện tử. Người sáng lập chợ kịch là đạo diễn - NSUT Triệu Trung Kiên - giám đốc nghệ thuật của công ty Cổ phần công nghệ truyền thông đa phương tiện HK (HK media).

Theo đó, ekip quản lý chợ kịch sẽ liên hệ với các tác giả viết kịch bản sân khấu để họ đồng ý đưa các tác phẩm của mình "đăng đàn" lên trang web. Các tác phẩm này sẽ được những người quản lý chợ kịch "chào hàng" đến các đơn vị nghệ thuật. Mỗi tác phẩm được chọn là kết thúc một quy trình bán mua tác phẩm, với một hợp đồng được ký kết giữa hai bên.

Hơn nữa, chợ kịch còn được kỳ vọng sẽ kích thích sức sáng tạo của mỗi tác giả, tạo ra những tác phẩm có giá trị. Bởi lâu nay, tình trạng khan hiếm kịch bản sân khấu hay luôn là bài toán nan giải cho các nhà sản xuất. Những vở kịch cũ như "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Số đỏ" hoặc những tác phẩm kinh điển thế giới đều đã được làm mới lại không biết bao nhiêu lần.

Trong khi những tác phẩm mới, mang hơi thở hiện đại thì chưa tạo hiệu ứng, thu hút khán giả đến rạp rầm rộ. Vậy nên nhà hát nào, đơn vị nghệ thuật nào cũng mòn mỏi đi tìm những tác phẩm có thể "câu khách", làm nóng lên cái không khí đìu hiu của sân khấu kịch. Nhưng bao năm qua, sân khấu kịch vẫn không thay đổi được điều đó.

Sự kiện - Chợ kịch điện tử: Cứu sự 'thất thế' của sân khấu kịch?

Sân khấu Việt Nam có hưởng lợi từ chợ kịch điện tử vẫn là một dấu hỏi.

Mỗi khi tiến hành dựng vở, không ít đạo diễn phải chạy ngược, chạy xuôi, vận dụng mọi mối quan hệ để có được một kịch bản hấp dẫn. Nhưng nói như nhiều đạo diễn kịch, thì có cầm trong tay cả trăm kịch bản, cũng chỉ dùng được khoảng 10 kịch bản. Mà họ vẫn phải bỏ công đầu tư thêm thắt, cắt xén, gọt giũa mới có thể tạm gọi là ưng ý. Chưa tính đến chuyện kịch phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên khá kén khán giả. Mỗi đêm diễn, chỉ thu hút một lượng ít khán giả đến rạp. Thị trường nhỏ như vậy, thì chẳng ai dại gì mà đầu tư vào đó để làm giàu, trừ những ai tâm huyết với nghề. Những cuộc dấn thân vì đam mê của các nghệ sĩ, ít nhiều đã tạo ra thành tựu. Nhưng vẫn thiếu những chiến lược dài hạn cho sự phát triển của sân khấu.

Sự "thất thế" của sân khấu kịch, kéo theo nguồn thu nhập không đảm bảo, đang tạo ra sự chảy máu nhân sự. Vì các phim truyền hình, các chương trình giải trí khác... luôn sẵn sáng rút đi những con người của sân khấu. Với kinh phí như hiện tại, sân khấu hầu như không có nguồn kinh phí để PR, quảng cáo, mà chủ yếu vẫn chỉ dựa vào "hữu xạ tự nhiên hương". Hơn nữa, những nhà quản lý sân khấu chủ yếu xuất thân từ nghệ sĩ, có lòng tâm huyết với nền sân khấu, nhưng không được đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh. Vậy nên chuyện "cơm áo gạo tiền" vẫn “bao trùm” giấc mơ thăng hoa nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Chợ kịch ra đời là điều ai cũng háo hức mong chờ. Dù không phải là yếu tố quyết định, ít nhất nó cũng được cho là sẽ giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản như hiện nay của sân khấu. Coi như, đây cũng là một dấn thân vì nghệ thuật nữa của những nghệ sĩ.

Ý tưởng mới sẽ đi về đâu?

Đạo diễn Xuân Phước, giảng viên trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM chia sẻ: "Trước đây, kịch bản là một vấn đề muôn thuở và rất quan trọng. Nhưng nhiều người viết kịch bản chỉ hình thành những nhóm nhỏ và rất manh mún, khiến những người muốn mua cũng rất khó để tìm. Nếu chợ kịch phát triển là điều đáng mừng vì người mua và người bán đều biết chỗ nên sẽ rất dễ lựa chọn. Nếu thấy hợp thì họ mua, nếu không thì thôi, rất sòng phẳng và cũng tránh tình trạng mích lòng nhau. Tôi nghĩ việc phát triển chợ kịch sẽ là xu thế chung để đáp ứng nhu cầu của thị trường".

Nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng thì hồ hởi: "Tôi nghĩ đây là một nơi rất tốt để các nhà biên kịch trẻ sáng tác dài hơi và thể hiện mình. Họ có cơ hội để làm nghề. Tuy nhiên, cũng cần có sự quản lý chặt chẽ. Giả sử mở chợ kịch sớm thì sẽ có sự quản lý hay hơn, đi theo một khuynh hướng để các nhà biên kịch trẻ có khả năng làm nghề".

Nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng cho biết thêm: “Tuy nhiên ở vấn đề kịch bản vẫn tồn tại tình trạng một số vở kịch vẫn còn bị xếp vào loại nhảm, vì người thiết kế ra kịch bản không tốt. Một phần cũng do nhiều nhà sản xuất vẫn còn nhắm đến loại phim rẻ, kịch giá rẻ mà làm. Họ không cần bối cảnh, dàn dựng nhiều, kể cả đạo diễn, cứ có hợp đồng là làm thôi vì có doanh thu thì ít ai từ chối. Một phần cũng do kinh phí đầu tư cho sân khấu không nhiều, nên buộc phải làm theo kiểu "ăn xổi ở thì". Có một thực tế ai cũng nhận thấy, nơi nào sân khấu được xã hội hóa thì tự bơi để có thể trụ được. Còn nơi nào nguồn kinh phí vẫn nhận từ Nhà nước, thì nhà hát lớn chỉ là cái xác, quanh năm có mấy vở được dựng và hút khách đâu".

Đạo diễn, NSUT Triệu Trung Kiên, người sáng lập ra chợ kịch cho biết: "Bước đầu chợ kịch đã có 50 tác giả tham gia với số lượng lên đến 100 tác phẩm. Với những bước tiếp theo chúng tôi sẽ phát triển hơn để thu hút thêm các tác giả ở khu vực phía Nam và Trung, để tạo ra sự phong phú và đa dạng cho chợ kịch. Để chợ kịch sẽ tạo ra một nơi uy tín, chất lượng cho những ai có nhu cầu về kịch bản có thể tìm đến. Tại chợ kịch sẽ bao gồm 2 loại: Kịch bản có sẵn và ý tưởng kịch bản. Với những kịch bản có sẵn sẽ được đăng lên mạng những phân đoạn ngắn, nếu khách hàng thấy hay có thể đọc thêm và mua về. Riêng với những ý tưởng kịch bản, nếu khách hàng thích ý tưởng nào có thể mua ý tưởng đó. Sau đó sẽ có một đội ngũ viết tiếp những ý tưởng đó để cho ra đời những sản phẩm hay và chất lượng".

Có thể nói chợ kịch là một xu thế phát triển của đời sống nghệ thuật. Nếu thành công chắc chắn chợ kịch sẽ là nơi để mọi người có thể tìm thấy một kịch bản tốt. Về vấn đề đạo kịch bản từ những loại chợ kiểu này, đạo diễn Xuân Phước cho biết: "Khi mỗi tác phẩm được hoàn thành tác giả sẽ đăng ký bản quyền. Khi đã có luật Bản quyền nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo những quy định đã có. Nếu như trước đây mọi người còn sợ chuyện bị đạo kịch bản, thì bây giờ người nào muốn đạo kịch bản cũng nên cẩn thận".

Tuy nhiên, nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng cũng băn khoăn: "Điểm tích cực của chợ kịch khi đưa lên Internet sẽ có nhiều người xem, mức độ quảng bá rộng. Tất cả nhà biên kịch dù có nghề hay chưa có nghề đều có cơ hội để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không quản lý kỹ thì sẽ có nhiều rắc rối về ý tưởng kịch bản... có thể bị những kẻ xấu lợi dụng lấy cắp".      

Hợp Phố - Hương Lam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.