Con nước về, nhịp sống chuyển mình
Dòng nước ấy không ồn ào, không vội vã mà lặng lẽ tràn về như lời hẹn hò của đất trời, mang theo phù sa, tôm cá và cả những đổi thay trong nhịp sống thường ngày của người miền Tây Nam bộ.

Người dân ở Nhơn Hội, một xã đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang đang vận chuyển cá đến một điểm thu mua để bán.
Khi nước từ thượng nguồn Mekong lặng lẽ chảy về, chỉ trong vài đêm, đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ bỗng hoá thành biển nước mênh mông. Những mái nhà sàn, những hàng tràm soi bóng, những khóm điên điển trổ hoa vàng rực rỡ… tất cả như được gột rửa, sống lại sau mùa khô dài đằng đẵng.
Tại các xã đầu nguồn thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An (nay là tỉnh Tây Ninh), người dân không đón lũ bằng nỗi lo sợ, mà bằng sự đón chờ. Bởi với họ, nước lên là mùa mưu sinh, là mùa "lộc trời".
Những chiếc xuồng ba lá bắt đầu rẽ nước, len lỏi qua từng con rạch, mang theo ước mơ vụ mùa bội thu.
Trong ánh mắt của bà Bùi Thị Tư ở xã Nhơn Hội (tỉnh An Giang) khi đang thoăn thoắt dùng vợt vớt cá, ánh lên niềm vui: "Nước lên là phước. Mỗi mùa như vậy, mình bắt cá, hái bông… miễn chịu khó là không đói bụng".
Mùa nước nổi không chỉ là một cảnh tượng đẹp mà còn là cuộc sống. Người ta dựng chòi canh cá giữa đồng, đóng đáy, giăng câu, đặt lọp. Trẻ nhỏ tạm nghỉ học, cùng cha mẹ hái bông súng, bông điên điển, mò ốc, bắt cá.

Cá linh được đưa vào bờ chuẩn bi mang đi tiêu thụ.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, trong tuần cuối tháng 7/2025, mực nước cao nhất ngày tại các nơi trong tỉnh sẽ lên dần theo triều và lũ thượng nguồn đến giữa tuần.
Chợ nổi vào mùa này trở thành bức tranh sống động. Tiếng mái chèo khua nước, tiếng rao hàng trên sông, tiếng người gọi nhau í ới. Những chiếc xuồng chở đầy cá linh, cá rô đồng, bông súng tím ngắt và từng chùm bông điên điển vàng óng, tất cả là tặng phẩm quý giá của con nước, là mồ hôi đổi lấy từ sự nhọc nhằn nhưng đầy tự hào.
Dưới ánh hoàng hôn rực rỡ, nhìn những con người nhỏ bé chèo xuồng giữa biển nước rộng lớn, ta mới hiểu người miền Tây không chỉ sống nhờ con nước, mà sống cùng nó, yêu nó, và hy vọng qua từng mùa lũ.
Đằng sau vẻ đẹp là những nỗi niềm trăn trở
Thế nhưng, đâu phải mùa nước nổi năm nào cũng đong đầy ân huệ. Những năm gần đây, dòng Mekong không còn "rộng lượng" như trước. Thủy điện thượng nguồn, biến đổi khí hậu, hạn mặn và xâm nhập mặn đang khiến mùa nước nổi ngày càng ngắn hơn, ít hơn và khó đoán hơn.

Một điểm thu mua cá ở xã Nhơn Hội, tỉnh An Giang.
Chú Bảy Hùng ở xã Nhơn Hội (tỉnh An Giang) trầm ngâm: "Ngày xưa, nước về là cá lội trắng đồng. Nay, có năm chờ hoài chẳng thấy lũ, cá tôm cũng thưa vắng, có khi lỗ vốn…".
Nhiều người nông dân từng bỏ tiền ra làm đáy bắt cá tôm, dựng chòi, rồi đành dỡ bỏ vì lũ về muộn hoặc… chẳng về. Đồng khô, chòi canh bỏ hoang, những cánh đồng từng ngập tràn sức sống giờ xám xịt trong cái nắng gắt đầu mùa khô. Giấc mơ về mùa lũ no ấm bỗng chốc chỉ còn là hoài niệm.

Đặc sản cá linh được thiên nhiên ban tặng, một năm xuất hiện một lần vào mùa lũ.
Dẫu bao đổi thay, người miền Tây vẫn kiên cường níu giữ mùa nước nổi như một phần máu thịt quê hương. Họ gói ghém tình yêu quê trong bữa cơm có cá linh kho lạt, canh chua bông điên điển, trong những chuyến xuồng đưa du khách đi xuyên rừng tràm Trà Sư, hái bông súng, nghe đờn ca tài tử vọng ra từ chòi lá ven sông…
Người miền Tây vẫn âm thầm giữ lại bản sắc, giữ lại hơi thở của đất phương Nam hiền hậu. Đó là cái hồn chân chất, nghĩa tình, sống thuận theo thiên nhiên, hòa vào nước, vào gió, vào phù sa.

Ngoài cá linh non, nước lũ cũng mang về những sản vật khác như cá chốt, cá chạch, lươn, rắn bông súng... (Ảnh: Thanh Lâm).
Mùa nước nổi, trong mắt người đô thị có thể là một bức tranh nên thơ. Nhưng với người miền Tây, đó là cuộc sống, là niềm tin, là câu chuyện dài của bao thế hệ gắn bó với đất trời, với dòng sông và với từng con cá, ngọn rau.
Đại diện UBND xã Nhơn Hội (tỉnh An Giang) chia sẻ, cũng như những nỗi niềm trăn trở của bà con ở các xã đầu nguồn miền sông nước Tây Nam Bộ, tôi hy vọng con nước năm nay về sớm mang theo nhiều phù sa, để bà con tăng thêm thu nhập trong mùa lũ.
Mong con nước lại về
Thạc sỹ Lê Văn Nghĩa, chuyên gia văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM chia sẻ, giữa thời đại của bê tông hóa, đô thị hóa và khí hậu bất thường, mùa nước nổi như một khúc ca trầm buồn nhưng đẹp đẽ, nhắc ta nhớ về những giá trị tự nhiên, về sự sống gắn liền với đất đai, sông nước và lòng người. Và rồi, như một lời nguyện ước âm thầm, người miền Tây vẫn lặng lẽ đợi chờ, mong năm sau con nước về sớm, để lúa trổ bông, cá sinh sôi, và tình quê tiếp tục được chở che trong cái mênh mông của phù sa.
Thanh Lâm