Hàng trăm tỷ xây chợ để…chứa rác
Các nhà đầu tư xây dựng dự án dân cư đã gắn thêm trung tâm thương mại, chợ nhằm kích cầu, nâng giá trị đất lên nhiều lần để bán cho người có nhu cầu đã trở thành phong trào khắp cả nước. Tuy nhiên hệ quả này mang lại là việc lãng phí tiền tỉ ngân sách nhà nước, “hầu bao” của các doanh nghiệp khi các chợ, trung tâm thương mại … không thu hút được tiểu thương vì vắng khách mua. Và cứ thế các dự án này trong tình trạng bỏ hoang, đìu hiu.
Tình trạng này diễn ra ở khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khá đại trà. Chuyến đi thực địa của nhóm PV Người Đưa tin đã kiểm chứng được điều này.
Một Trung tâm thương mại sầm uất ở An Giang, nằm ngay giữa khu di tích Núi Sam (TP.Châu Đốc), được xây dựng từ năm 2004 do doanh nghiệp tư nhân Như Ý đầu tư. Dự án có diện tích rộng 4ha quy mô 710 gian hàng. Tuy nhiên, hơn chục năm nay dù địa phương cố đưa người vào mua bán nhưng phần lớn các hộ tiểu thương không chịu dời về do đó nơi đây trở thành ngôi chợ không người, bỏ hoang. Cơ sở vật chất sớm xuống cấp, chợ từng có vụ hỏa hoạn thiêu rụi 22 gian hàng thiệt hại bạc tỉ.
Nội ô TP.Châu Đốc vẫn còn vài khu chợ thưa vắng. “Lúa thóc đi đâu, bồ câu theo đó” là vậy, tiểu thương nhanh nhạy trong việc hình thành các khu chợ tự phát vì họ biết rõ được nguồn khách có nhu cầu thực tế.
Cùng chung số phận,Trung tâm thương mại Nam Kênh Đào thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang) xây năm 2006 với gần 23ha có mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Nhiều năm bỏ hoang dự án này giờ làm nơi tập lái xe, phơi lúa ngổn ngang. Còn hai khu bách hóa và thực phẩm rộng 6.000m2 lún nứt nghiêm trọng, chỉ có dăm hộ bán buôn.
>> Tiểu thương bị ép qua chợ tư nhân: Lợi ích nhóm? (2)
>> Ép tiểu thương di dời chợ: TP.Long Xuyên không minh bạch (3)
>> Giải mã TP.Long Xuyên quyết liệt 'ép' tiểu thương di dời chợ (4)
>> Lộ năng lực của nhà đầu tư và sự "tiếp sức" của chính quyền TP.Long Xuyên (5)
Theo như các hộ dân sinh sống ở đây cho biết: “Mấy lần đưa dân vào nhưng do quá ế ẩm, không có thu nhập, chính vì thế ai cũng bỏ đi. Xây dựng những dự án hàng trăm tỷ như vậy rồi bỏ hoang chúng tôi nhận thấy vậy rất lãng phí”.
Tình trạng dự án chợ trăm tỷ bỏ hoang không chỉ xảy ra tại An Giang mà ở tình trạng này cũng xảy ra ở Kiên Giang. Nằm giữa vùng U Minh Thượng, khu Trung tâm thương mại Thứ Bảy rộng 110ha, do không có người vào buôn bán nên trở thành điểm vứt rác của dân cư xung quanh đó. Ban quản lý Trung tâm thương mại này cho biết, dự án này khởi công năm 2009, được kỳ vọng là chợ đầu mối lớn nhất cả vùng. Đến nay nguồn vốn đã đầu tư 189 tỉ đồng trong gần 600 tỉ đồng tổng dự toán, chủ yếu từ đi vay. Nhưng rồi cũng không có hộ tiểu thương nào vào kinh doanh.
Tập đoàn Sao Mai tại Tân Hiệp (Kiên Giang), cũng đang tìm mọi cách “đưa” hàng trăm tiểu thương ở chợ cũ thị trấn Tân Hiệp sang khu chợ mới nằm giữa khu đô thị, do tập đoàn Sao Mai đầu tư quy mô 10,8ha. Mặc dù có nhiều ưu đãi như, tặng dầu ăn, đường cát cho khách hàng. Chẳng những thế, UBND thị trấn Tân Hiệp còn dán thông báo “hào phóng”, cấp tiền cho tiểu thương nếu qua chợ mới 50.000 - 300.000 đồng/ngày. Nhưng đến giờ này, tiểu thương dứt khoát không qua. “Dù có nhận khoản tiền bù đắp trên nhưng lâu dài việc kinh doanh ế ẩm không bán được hàng, chẳng khác nào đẩy gia đình chúng tôi ‘ra đường’ ở”, một tiểu thương đã nói như vậy.
Người dân nói chợ cũ Tân Hiệp vốn tồn tại lâu đời. Tiểu thương cùng địa phương góp tiền của trùng tu, nâng cấp nhiều lần. Bất ngờ vào tháng 3/2015 ai nấy đều tá hỏa khi nhận được thông báo buộc họ phải di dời sang khu chợ mới cách đó khoảng 1km, giữa khu đô thị mới của Tập đoàn Sao Mai.
“Khi vận động vào chợ, hỗ trợ tiền điện, nước, miễn giảm thuế thì mọi người đăng ký vô. Ai dè chợ ế, do khách người ta quen đi chợ cũ vì một phần chợ cũ dân cư đông, cho nên sau hai tháng người dân đành trở lại chợ cũ kiếm kế sinh nhai” – một tiểu thương trong chợ cho hay. Chính quyền địa phương đã từng có biện pháp mạnh nhưng cũng chưa thay đổi được tình hình.
Chính quyền “ép” dân để cứu doanh nghiệp
Còn thực trạng ở TP.Long Xuyên, như báo điện tử Người Đưa tin có loạt bài điều tra, phản ánh động thái của chính quyền thành phố này cũng theo “chiêu” của các địa phương khác gây sức “ép” để bà con tiểu thương chuyển khỏi chợ Long Xuyên về chợ đầu mới nông sản và một phần thủy sản Mỹ Thới nằm trong khu thương mại, dân cư do Công ty TNHH Đầu tư và Chế biến lương thực Thiên Ngọc (công ty Thiên Ngọc) đầu tư. Song hầu hết các tiểu thương chợ Long Xuyên đã phản đối hành động của UBND TP.Long Xuyên và không chịu di dời.
Xét về quy hoạch thiết kế trên giấy, chợ đầu mối do công ty Thiên Ngọc làm chủ đầu tư được xây dựng với quy mô hiện đại, đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tổng diện tích là 18.834m2, chợ được phân lô khoa học. Đồng thời, công ty có những ưu đãi hấp dẫn để các hộ tiểu thương di dời về như, miễn phí tiền thuê sạp cho những hộ tiểu thương dạng bán sỉ nông sản trong vòng 1 năm. Hỗ trợ tiền điện, nước và tiền cho các hộ tiểu thương di dời đúng thời gian là 10 triệu/tiểu thương.
Song, đến nay, Thanh tra tỉnh An Giang đã “tuýt còi” chủ đầu tư vì những sai phạm trong vấn đề thủ đất đai chưa hoàn thành nghĩa vụ và dự án đang bị tạm đình chỉ. Thế nhưng, chính quyền TP.Long Xuyên lại rốt ráo “ép” tiểu thương chuyển đến chợ Mỹ Thới, nằm cách xa đến cả chục km. Sau nhiều lần đổi thông báo UBND TP.Long Xuyên cho gia hạn việc di dời này đến đầu tháng 1/2017.
Trong báo cáo Thanh tra tỉnh An Giang, Thành ủy thành phố này còn kiến nghị UBND tỉnh cho di dời sớm với mục đích tạo điều kiện cho công ty Thiên Ngọc kích hoạt giá nền dân cư, từ đó công ty mới có nguồn thu từ hoạt động chợ và bán nền dân cư để tiếp tục việc đầu tư dự án. Như vậy cũng lộ ra mục đích thực sự của chính quyền TP.Long Xuyên trong hành động quyết liệt phải di dời chợ Long Xuyên. Đồng thời cũng cho thấy năng lực tài chính của công ty Thiên Ngọc như thế nào.
Thực tế điều tra của PV báo Người Đưa tin có được, công ty Thiên Ngọc từng bị sức ép về tài chính. Đến tháng 5 năm nay, công ty này đã bị một ngân hảng phát văn bản đề nghị phong tỏa các bất động sản đã thế chấp vì không thể thanh toán khoản vay còn nợ gần 70 tỉ đồng.
Báo Người Đưa tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc bất thường của chính quyền TP.Long Xuyên liên quan đến dự án khu dân cư có chợ Mỹ Thới do công ty Thiên Ngọc làm chủ đầu tư.
Mỹ Linh – Sao Mai