Chó là vật nuôi trung thành với nhiều gia đình, tuy nhiên, trong những lúc mất kiểm soát, đây lại là loài vật hung hãn sẵn sàng tấn công chủ nhân bị thương.
Ông N.V.X, sống tại Thanh Hóa, được đưa vào bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương lúc 8h00 sáng trong tình trạng mất một mảng da lớn ở chóp mũi và tổn thương nhiều phần ở tay. Theo ông X., trong nhà có nuôi một con chó becgie từ nhỏ. Tuy nhiên, khi chó được 6 tháng, con trai lại đem sang nhà người yêu nuôi cho đến khi được 2 tuổi khi đem về nhà.
"Do chó không quen chủ hay vồ nên tôi thường phải xích và chặn hòn đá lên xích để cố định. Nhưng hôm trước, khi cho ăn, chó chồm quá mạnh dây xích bung ra khỏi đá nên nó lao được đến chỗ tôi cắn vào tay và mũi", ông X. chia sẻ với Dân Trí.
Sau khi tai nạn xảy ra, ông X. được gia đình đưa ngay đến bệnh viện địa phương lúc 23h00. Các bác sĩ sau khi tiếp nhận ca bệnh liền tiến hành sơ cứu vết thương, rồi chuyển ngay lên vào khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương (Hà Nội).
Các bác sĩ đã tiến hành xử lý vết thương ở tay của ông X., riêng tổn thương ở mũi, do bệnh nhân bị bong da nên chỉ cần tạo hình lại vạt da đã mất. Cuộc phẫu thuật kéo dài 2 tiếng đồng hồ, ê-kíp phẫu thuật đã lấy vạt da ở cổ (vùng thượng đòn) để ghép lên phần da bị mất ở mũi của ông X. Hiện tại, vạt da được cấy ghép của bệnh nhân X. đã sống tốt. Nếu tiếp tục diễn biến tốt, bệnh nhân sẽ được tháo bolster và dự kiến theo dõi tiếp 3-4 ngày trước khi được xuất viện.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, cục Y tế Dự phòng, bộ Y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương và ến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Nguyên Anh (Tổng hợp)