Việc ông chủ chuỗi Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy bị khởi tố, truy nã quốc tê thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian qua.
Theo tài liệu PV Người Đưa Tin có được, trong quá trình hoạt động, ông Bùi Quang Huy và Nhật Cường từng có quan hệ tín dụng với một số ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), ACB, VPBank,... Trong đó Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là thân thiết nhất. Chính vì thế, nhiều câu hỏi được đặt ra là MBBank sẽ thế nào nếu không đòi được khoản nợ từ phía Nhật Cường mobile.
Hồ sơ cho thấy, Nhật Cường và ông Bùi Quang Huy từ năm 2011 đến trước khi bị khởi tố, truy nã đã ký nhiều hợp đồng vay vốn với MBBank chi nhánh Ba Đình, tài sản đảm bảo chính là các siêu xe hạng sang mà ông Huy sở hữu cùng căn hộ cao cấp thuộc chung cư Golden Westlake đứng tên vợ chồng ông Huy.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 11/2018, vợ chồng ông chủ Nhật Cường Mobile đã thế chấp 90% vốn điều lệ của công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường - tương đương 34,2 tỷ đồng để vay MBBank chi nhánh Ba Đình.
Ngoài ra, công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường cũng từng thế chấp toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển bao gồm điện thoại di động và phụ kiện các loại, iPad, máy tính bảng tại kho chính 39- 41 Lý Quốc Sư, Hà Nội và tại tất cả các cửa hàng, showroom trong hệ thống, giá trị tối thiểu lên tới 40 tỷ đồng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: "Với những hàng hóa tồn kho của Nhật Cường Mobile thì cơ quan điều tra sẽ xác minh nguồn gốc và giá trị pháp lý của những lô hàng này.
Trong trường hợp những lô hàng này không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ thì có thể xác định là hàng lậu và có thể bị thu giữ xử lý theo quy định pháp luật. Còn trường hợp những lô hàng tồn kho đó là hàng có nguồn gốc, có chứng từ hóa đơn thì phải trả lại cho doanh nghiệp này.
Các hàng hóa là hàng ký gửi của khách hàng, hàng khách hàng mang đến để sửa chữa mà có nguồn gốc rõ ràng thì sẽ trả lại cho khách hàng. Trường hợp hàng hóa mua bán bất hợp pháp, có nguồn gốc là hàng nhập lậu thì vẫn phải thu hồi".
Đáng chú ý, tháng 10/2017, doanh nghiệp của ông Bùi Quang Huy đã dùng quyền đòi nợ từ hợp đồng thực hiện gói thầu: Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội của sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2016 để thế chấp vay vốn tại ngân hàng MBBank chi nhánh Ba Đình.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo ngân hàng Quân đội MBBank cho biết, khoản vay của Nhật Cường tại ngân hàng là con số không lớn, khoảng hơn 43 tỷ đồng. Với tư cách là tổ chức cung cấp tín dụng, khoản cho vay của MBBank với Nhật Cường thực hiện trên cơ sở có tài sản đảm bảo theo quy trình thông thường của một khoản tín dụng tại Ngân hàng.
Lãnh đạo MBBank cũng khẳng định, nhà băng này hoàn toàn không liên quan đến những vấn đề đang điều tra tại Nhật Cường và không có trách nhiệm gì về những sai phạm (nếu có) tại đây.
Trong trường hợp xấu nhất, MBBank không thể thu hồi được khoản cho vay với Nhật Cường thì khoản thiệt hại ngân hàng sẽ phải ghi nhận là hơn 43 tỷ đồng, bằng đúng giá trị khoản tín dụng hiện Nhật Cường đang nợ MBBank.
Lãnh đạo MBBank khẳng định, kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực rủi ro cao, có những rủi ro không thể kiểm soát hết được, nên theo quy định pháp lý, các ngân hàng đều phải thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản rủi ro có thể xảy ra này.
Tại MBBank, chi phí dự phòng của ngân hàng luôn đảm bảo mức tối thiểu.
Tính đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng cho vay của toàn Ngân hàng MB đạt 214.686 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,33%. Tỉ lệ chi phí dự phòng/nợ xấu của ngân hàng ở mức 123%.
Clip: Khám xét khẩn cấp chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile
Diễn biến vụ án ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy buôn lậu xuyên quốc gia:
Ngày 9/5, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với 9 địa điểm liên quan đến công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile); thu giữ hàng ngàn điện thoại di động, Ipad, phụ kiện điện tử các loại... và các tài liệu liên quan.
Ngày 14/5, C03 ra quyết định khởi tố vụ án về tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.
Đồng thời, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy và 8 đồng phạm về hai tội danh nêu trên.
Bước đầu, Cơ quan CSĐT bộ Công an xác định Bùi Quang Huy và một số người đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia; đã lập, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính, để ngoài sổ sách hàng nghìn tỉ đồng doanh thu.
Ngày 19/5, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, bộ Công an) ra quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile).
Bùi Quang Huy sinh ngày 12/6/1974 tại Hà Nội. Trước khi bị truy nã, Bùi Quang Huy là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile).
Bị can Huy bỏ trốn từ ngày 9/5/2019. Chỗ ở trước khi trốn: Phòng W2107&08, Chung cư Golden WestLake, 151 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ngày 31/5, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra đã thi hành quyết định khởi tố với 8 bị can, riêng với Bùi Quang Huy, từ lúc khám xét không có mặt tại nơi cư trú, đến lúc khởi tố nhưng cũng không trình diện.
"Chúng tôi đã vận động gia đình, nhưng Bùi Quang Huy vẫn không có mặt tại nơi thường trú. Bộ Công an đã tiến hành truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế và kêu gọi Bùi Quang huy ra đầu thú”, đại diện bộ Công an cho biết.
“Với khung hình phạt cao nhất của tội Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng đến 20 năm tù giam, tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo Điều 55 BLHS thì bị can Nguyễn Quang Huy có thể phải đối mặt cao nhất đến 30 năm tù giam”, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết.
Đình Văn