Cảnh sát giao thông được phép hóa trang làm nhiệm vụ
Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ hóa trang (mặc thường phục) để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi địa bàn được phân công. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Thông tư 65/2012 do Bộ Công an vừa ban hành (thay thế Thông tư 27) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ.
(Ảnh minh họa)
Thông tư cũng quy định trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm thì phải sử dụng giấy Chứng minh Công an nhân dân để thông báo cho người vi phạm biết về việc đang thực hiện nhiệm vụ; thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu người vi phạm về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai đến để tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22/12 tới.
Dân lo tội phạm lợi dụng
Trước thông tư này nhiều người dân lo tội phạm lợi dụng quy định trên để trục lợi. Bởi giấy tờ chứng minh công an thì bọn tội phạm có thể làm giả được bằng nhiều hình thức. Người dân bình thường khó có thể phát hiện được đâu là giấy tờ giả đâu là giấy tờ thật để biết đó có phải là CSGT hay không?
Báo Người lao động dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng Bộ Công an cần phải xem lại việc áp dụng biện pháp hóa trang kết hợp công khai này. Bởi theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý vi phạm phải trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Hơn nữa, việc ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc trách nhiệm của lực lượng khác, không phải CSGT.
Vị luật sư này cũng cho biết, CSGT được đào tạo chuyên sâu về luật giao thông, xử lý vi phạm, phân luồng…, không phải nghiệp vụ trấn áp ngay hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu gặp những đối tượng manh động có thể chính họ sẽ bị nguy hiểm. Mặt khác, trong những tình huống phát hiện người điều khiển phương tiện có biểu hiện vi phạm giao thông nghiêm trọng như tổ chức đua xe, cất giấu hung khí trong xe…, CSGT không nên ra tay ngăn chặn ngay mà nên tổ chức phối hợp vây ráp thì mới đạt hiệu quả cao.
Cũng theo ông Hậu, trong thời gian thực hiện quy định CSGT hóa trang kết hợp công khai đã dấy lên không ít dư luận, sự việc từ thực tế khiến người dân băn khoăn. Giấy tờ có thể làm giả được, đêm tối nhập nhoạng làm sao biết ai là CSGT hóa trang, ai là kẻ cướp giả dạng khi bất ngờ có người xưng là công an, yêu cầu dừng xe kiểm tra vì nghi có biểu hiện vi phạm?
“Bộ Công an nên nghiên cứu, áp dụng mô hình “liên quân” 141 mà Hà Nội đang làm thay vì quy định hóa trang kết hợp công khai gây nhiều tranh cãi này” - ông Hậu nói.
Tuấn Anh