Sáng 17/10, trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội (HIC) tổ chức lễ công bố kế hoạch đào tạo và các hoạt động chuyên môn năm học 2020-2021.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Sinh (Chủ tịch HĐQT trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội) cho biết: “Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp ban ngành, đoàn thể, sự lãnh đạo sáng suốt của HĐQT, ban Giám hiệu, sự quyết tâm nỗ lực của tập thể cán bộ giảng viên, công tác đào tạo của trường từng bước được đổi mới và phát triển, quy mô được mở rộng, chất lượng được nâng cao, đa dạng hoá các loại hình, hình thức đào tạo, bước đầu điều chỉnh cơ cấu, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được chú trọng.
Hiện nay, trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội đã và đang được xã hội đánh giá cao trong chất lượng đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhà trường luôn đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho giáo viên và điều kiện học tập cho lớp học để đạt được hiệu quả tốt cho công tác đào tạo”.
Tại buổi lễ công bố kế hoạch đào tạo và các hoạt động chuyên môn, trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội chính thức ra mắt trung tâm Đào tạo & Phát triển kỹ năng nghề quốc tế HIC, ông Dương Xuân Quyết đảm nhiệm vai trò Giám đốc trung tâm. Sự ra đời của trung tâm là cấp thiết và thực sự cần thiết cho sự phát triển các ngành nghề đào tạo của nhà trường, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sinh viên - nhà trường và doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Giám đốc trung tâm Đào tạo & Phát triển kỹ năng nghề quốc tế HIC cho biết: “Bất kỳ chương trình đào tạo nào, trong cấu tạo của nó đều có sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành, thực tập. Tùy theo cấp độ, trình độ đào tạo và lĩnh vực ngành nghề đào tạo mà thiết lập sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Việc tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập tại các cơ sở nhất là ở các doanh nghiệp là yêu cầu không thể thiếu trong chương trình đào tạo.
Phương châm của nhà trường là “đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái nhà trường có”, nên chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng làm việc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao của doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, cộng sinh với thị trường lao động, phát triển bền vững”.
Trong khuôn khổ chương trình, trường cũng tổ chức phiên thảo luận với chuyên đề đào tạo Công nghệ ô tô với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Sinh viên đặt câu hỏi: “Ngành Công nghệ ô tô được đào tạo trong 24 tháng, có đảm bảo chất lượng?”. Giải đáp thắc mắc này, đại diện chuyên gia đến từ học viện Kỹ thuật quân sự) khẳng định: “Với quy định hiẹn hành, chắc chắn sẽ đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp của xã hội”.
Lễ ký kết đầu tiên giữa doanh nghiệp và nhà trường diễn ra tại chương trình nhằm tăng cường sự gắn kết, tìm ra mô hình hợp tác toàn diện, với hy vọng đây là mô hình mới mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Kết thúc chương trình, ông Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: “Những tham luận đầy đủ của các chuyên gia ngày hôm nay chính là cơ sở để nhà trường vững tin, tin tưởng vào cơ hội cho sinh viên trong xu thế hiện nay”.