Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2021, song chuyên gia truyền thông cũng như cơ quan báo chí đều cho rằng cần nhanh chóng xem xét, sửa đổi lại Nghị định này để báo chí trong nước được cạnh tranh bình đẳng.
Quan trọng hơn cả là luật Quảng cáo cũng cần phải sửa đổi. Bởi lẽ, luật Quảng cáo được ban hành từ năm 2012, cách đây cũng đã gần 10 năm, từ các Nghị định thực thi luật như Nghị định 158/2013 và nay là Nghị định 38/2021 đều căn cứ theo các quy định cũ trong luật Quảng cáo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, báo chí, truyền thông hiện nay đã rất khác, những quy định lỗi thời trong luật Quảng cáo đã không còn phù hợp. Hơn nữa, khi có dự thảo quy định, cơ quan soạn thảo lại không lấy ý kiến trực tiếp những người có liên quan.
“Như viết app cho điện thoại cục gạch”
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về Truyền thông và Xử lý Khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions, BCS) - bày tỏ: Đây là một điều đáng lo ngại trong việc hoạch định chính sách công trong lĩnh vực báo chí truyền thông.
“Nghị định 38 khiến tôi liên tưởng đến việc chúng ta đang cố đè một chiếc điện thoại Nokia những năm 2000 - hay còn gọi là điện thoại cục gạch - để viết app cho nó. Lấy một luật Quảng cáo đã lạc hậu, lỗi thời để áp quy định lên một hệ thống báo chí, truyền thông đang ngày càng phát triển thì thực sự vô lý. Điều này sẽ kéo theo một hệ luỵ rất lớn đối với lĩnh vực báo chí trong thời gian tới”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, những quy định bất cập trong luật Quảng cáo đã không còn phù hợp, vì vậy, bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên kiến nghị Chính phủ tạm dừng thi hành Nghị định 38 để có sự nghiên cứu, sửa đổi lại những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tránh tạo thêm rào cản cho các bên liên quan.
Từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực báo chí, ông Sơn nhận thấy các cơ quan báo chí phải tự chủ về mặt tài chính, làm công việc sáng tạo nội dung và cần nguồn thu quảng cáo để duy trì và phát triển. Nghị định được thực thi sẽ khiến báo chí đang khó khăn càng thêm khó khăn, dẫn đến bị triệt tiêu sức cạnh tranh, đặc biệt khi ở nền báo chí vẫn miễn phí như hiện nay.
“Nó giống như một cú đạp vào nền báo chí khi họ đang đứng bên bờ vực khủng hoảng, đang đối diện với vô vàn những thách thức, trong đó có mạng xã hội và đủ cách thức truyền thông mới. Hơn nữa, nếu không đủ tiềm lực về kinh tế để tiếp tục duy trì, thì cơ quan báo chí rất dễ rơi vào khủng hoảng tài chính”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm: “Các cơ quan báo chí họ biết làm cách nào để sống, làm cách nào để chiều chuồng bạn đọc, tất nhiên là ở trong phạm vi pháp luật cho phép. Vì vậy, việc can thiệp quá sâu gây ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của báo chí là điều không nên. Thiết nghĩ, trong khi chờ để sửa luật Quảng cáo thì việc áp dụng Nghị định 38 nên tạm dừng lại”.
Phải hài hoà lợi ích bạn đọc - báo chí - doanh nghiệp
Liên quan đến luật Quảng cáo và Nghị định 38, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực hội Nhà báo Việt Nam - cũng bày tỏ quan điểm: Mấy ngày vừa qua, các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm đến Nghị định 38 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo. Sự quan tâm này xuất phát từ những lo lắng có cơ sở, bởi nếu áp dụng để xử phạt ngay theo Nghị định thì sẽ gây khó khăn cho kinh tế báo chí.
“Những quy định pháp lý liên quan đến hoạt động báo chí, trong đó luật Quảng cáo 2012 được ban hành cách đây rất lâu, cũng đã gần 10 năm, những quy định đó đã không còn phù hợp. Trong khi đời sống báo chí, truyền thông hiện nay đã rất khác. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng có trách nhiệm, các Bộ ngành liên quan cần có sự rà soát, điều chỉnh để từ đó có những quy định mới phù hợp báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số”, ông Lợi nhìn nhận.
Cũng theo ông Lợi, báo chí đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là nguồn thu từ phát hành, quảng cáo đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiệm vụ làm báo cũng nặng nề hơn, báo in suy giảm, báo điện tử chưa bán được nội dung để có nguồn thu.
“Bởi vậy, những quy định còn gây nhiều băn khoăn trong Nghị định 38 cần được bàn thảo kỹ lưỡng giữa các Bộ ngành liên quan và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để có điều chỉnh hợp lý về thời gian và cách thức phù hợp với hoạt động của báo chí. Nói cách khác, cần đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích của bạn đọc - báo chí - doanh nghiệp theo mối quan hệ đôi bên cùng có lợi”, ông Lợi nhấn mạnh.
Tại giao ban báo chí 1/6, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về ý kiến cho rằng quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo trên mạng xã hội có những điểm không công bằng với báo chí trong nước là đúng.
Hiện Bộ này đang sửa đổi Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng và Nghị định 181 hướng dẫn luật Quảng cáo, sẽ bổ sung hành vi để sau này xử phạt được, đảm bảo sự công bằng giữa mạng xã hội và báo chí.
Cũng tại giao ban, Thứ trưởng bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho hay, trước nhiều ý kiến cho rằng các quy định quảng cáo đối với mạng xã hội, trang thông tin điện tử xuyên biên giới quy định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử trong nước, bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại luật Quảng cáo.