Ra công viên là có “xiếc chó”…
Thời gian qua tại các công viên lớn của Hà Nội như: Thống Nhất, Nghĩa Tân… thậm chí cả bờ Hồ Hoàn Kiếm vào những buổi sáng sớm, khi người dân í ới nhau đi tập thể dục rất dễ để gặp những chú chó to “lực lưỡng” đang chạy rông hay “làm trò”. Sẽ không có gì đáng bàn luận hay để ý nếu như chúng được “rọ mõm” và “quản lý” cẩn thận? Được biết hiện nay ở Việt Nam có nhiều giống chó mới nhập hay giống chó lai như: Leonberger (Béc giê sư tử) nhập từ Đức với giá hàng ngàn USD; chó Alaska (Mỹ)… ngoài thân hình “lực lưỡng” chúng còn rất dữ tợn; là “nguồn nguy hiểm” đối với mọi người nhất là trẻ nhỏ, khi chúng bị kích động hoặc bị người đi lại không may va quệt phải…
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay chó được thả rông ở công viên, vườn hoa rất nhiều. Không những thế, từ các buổi sáng sớm đến buổi chiều, người đi đường còn thấy nhiều chủ nhân dẫn chó đi vệ sinh, đi dạo, thậm chí còn bắt gặp cảnh chủ nhân đi trên những chiếc xe máy sành điệu như SH, Liberty, LX chở theo “chó Tây” cùng tham gia giao thông… Theo bạn Trâm (Mỹ Đình-Hà Nội) việc có một chú “chó Tây” là xu hướng hot của giới trẻ hiện nay; nhiều bạn trẻ còn tự hào khi kể về chúng, chăm chút chúng…
Nhưng thực tế cho thấy, không ít những người bị chó cắn gây thương tật, và không ít tai nạn thương tâm xảy ra vì va quệt với chúng. Và nữa, nếu va quệt khiến chó bị thương thường thì những ông chủ, bà chủ thường hùng hổ chạy ra bắt đền, cho dù chó nhà mình đã “vi phạm” luật giao thông. Nhưng ngược lại, nếu không may người đi đường bị tai nạn do va vào chúng, hoặc bị chó cắn thì hầu hết chó có chủ nuôi trở thành chó hoang, hoặc vô chủ, chủ chối phắt trách nhiệm nếu không có chứng cứ trực tiếp và rõ ràng.
Có quy định vẫn “nhờn”
Theo Bộ luật dân sự Việt Nam 2005, tại Điều 625 đã dành hẳn cả 4 nội dung của điều này về việc nuôi và quản lí chó. Trong đó có một số điều quan trọng như: Chủ sở hữu súc vật phải BTTH do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường; Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải BTTH; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cũng có lỗi thì phải cùng liên đới BTTH; và “Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
Cùng với đó, Thông tư số 48/2009 của Bộ NN và PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật cũng nêu rõ: Người nuôi chó có trách nhiệm đăng ký với Trưởng thôn, ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách trình UBND xã, phường cấp “sổ quản lý chó”. Đồng thời phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường phố, làm mất vệ sinh nơi công cộng. Và để việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu chủ vật nuôi chấm dứt vi phạm.
Quy định là vậy, còn thực tế ra sao? Thông tin từ Cục Thú y cho thấy, trung bình mỗi năm khoảng 500.000 người tiêm vắc xin sau khi súc vật dại hoặc nghi dại cắn (chủ yếu là chó, mèo), và Cục cũng cho biết, trên thực tế số người bị chó, mèo cắn hàng năm còn cao hơn con số trên nhiều bởi nhiều người không đi tiêm phòng. Và Số liệu cho thấy, giai đoạn trước đây 1991-2007 trung bình mỗi năm có 200 người chết do bệnh dại. Sau một thời gian các ca tử vong giảm, vài năm trở lại đây, bệnh dại đang có chiều hướng quay trở lại. Số liệu năm 2011 ghi nhận 110 người chết; năm 2012 cũng đã ghi nhận hơn 80 ca tử vong.
Minh Hạnh - Cử nhân luật - ĐHQGHN