Tại buổi họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 19/5, báo chí đặt câu hỏi về việc Quốc hội tiến hành cho thôi, miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với một số đại biểu. Vậy số liệu đại biểu Quốc hội hiện nay so với đầu nhiệm kỳ có sự thay đổi như thế nào?
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu cho biết, vừa qua Quốc hội đã tiến hành cho thôi, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với một số đại biểu Quốc hội.
Theo ông Tuấn, Quốc hội khoá XV được bầu 500 đại biểu và Hội đồng bầu cử quốc gia xác định có 499 đại biểu trúng cử đại biểu, 1 đại biểu không xác nhận tư cách đại biểu.
Đến thời điểm hiện tại theo số liệu thống kê từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã bãi nhiệm 3 đại biểu, cho thôi làm nhiệm vụ với 9 đại biểu. Hiện tại tổng số đại biểu Quốc hội là 487.
Về các đoàn đại biểu, theo ông Tuấn Anh sau khi có việc cho thôi, bãi nhiệm, miễn nhiệm các đại biểu các đoàn đã điều chỉnh phân công để đảm bảo hoạt động các đoàn theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của cử tri.
Cũng theo ông Tuấn Anh, khi Quốc hội bầu ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội thì sẽ thiếu một Phó Chủ tịch. Tuy nhiên, việc bổ sung nhân sự còn thiếu này trước mắt sẽ chưa được thực hiện. “Chờ sau khi cơ quan có thẩm quyền giới thiệu xem xét, giới thiệu thì Quốc hội sẽ tiến hành bầu theo quy định”, ông Tuấn Anh cho hay.
Các nhân sự bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội gồm: ông Nguyễn Thành Long - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long; bà Hoàng Thị Thúy Lan - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Dương Văn Thái - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.
Quốc hội cũng cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với các ông, bà: Phạm Bình Minh - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu; Lê Minh Chuẩn - đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Xuân Phúc - đoàn đại biểu Tp.HCM; Nguyễn Phú Cường - đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Văn Thạnh - đoàn đại biểu tỉnh An Giang; Trần Tuấn Anh – đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa; Võ Văn Thưởng - đoàn đại biểu Tp.Đà Nẵng và ông Vương Đình Huệ - đoàn đại biểu Hải Phòng; bà Trương Thị Mai - đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/5/2024, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024; Đợt 2: từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 26,5 ngày.
Một trong những nội dung quan trọng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày mai (20/5), Quốc hội sẽ bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước theo thẩm quyền. Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt sáng 18/5, Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.