Đến chợ tình để tìm “tiếng quê”
Gọi là chợ tình vì vào mỗi tối hai ngày cuối tuần, nơi đây lại tấp nập những đôi “nam thanh, nữ tú” ra vào nói chuyện, làm quen, tán tỉnh rồi hẹn hò nhau. Người địa phương chẳng biết những cô gái, chàng trai này đến từ đâu, vì mặt mũi của họ trông lạ hoắc lạ huơ; tiếng nói thì nghe đặc sệt của người miền Tây. Thi thoảng, nhóm bạn trẻ này gặp trúng người quen, lại xổ ra một tràng tiếng Khmer, nghe chẳng hiểu gì.
Những bạn trẻ này, đa số đều có nước da đen khỏe khoắn, nụ cười tươi và khá thân thiện. Một số ít thuộc thế hệ 8x, còn lại chủ yếu là thuộc thế hệ 9x. Khi mới chập choạng tối, những bạn trẻ này đi một mình, hoặc từng nhóm 2 – 3 người đến ngồi ở ghế đá.
Vừa nói chuyện, họ vừa đưa mắt nhìn xung quanh xem có ai “giống” mình hay không. “Giống” ở đây là giống về nhu cầu muốn tìm bạn nói chuyện cho đỡ buồn, cùng quê thì càng vui. Khi đã nhắm được “đối tượng” rồi, các chàng trai sẽ tìm cách để làm quen, bắt chuyện với các cô gái.
Vì đều là người ngoại tỉnh, mục đích đến đây là để tìm bạn nói chuyện, nên giai đoạn làm quen diễn ra khá dễ dàng. Việc phát hiện ra “đối tượng” cũng không khó, chỉ cần thấy bạn gái nào ngồi một mình, cũng có thể ngồi 2 -3 người, thi thoảng đưa mắt nhìn xung quanh như đang tìm kiếm ai đó là đích thị cô gái đó đang có ý định “tìm đồng hương”, tìm bạn.
“Chợ tình” miền Tây giữa Sài Gòn là nơi kết bạn, đồng thời chứa nhiều ẩn họa.
Cô Hồng, một người bán hàng nước tại hoa viên đã nhiều năm cho biết: “Ở đây vào những ngày cuối tuần đông nghẹt, không đi sớm thì chẳng còn chỗ mà ngồi.
Cái tên “chợ tình” chỉ là những bạn trẻ, hay những người bán hàng ngầm hiểu với nhau thôi. Vì mục đích ban đầu là tìm người cùng quê, nhưng rồi sau đó không thấy người cùng quê thì người khác quê, mọi người cũng vui vẻ làm quen với nhau. Cũng khá nhiều người nhờ “chợ tình” mà nên duyên vợ chồng.
Đa số những thanh niên đến đây đều là người miền Tây, chủ yếu từ các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, nhiều nhất là Sóc Trăng. Những thanh niên này đều không được học hành nhiều, vì cuộc sống mưu sinh phải dạt về thành phố tìm việc. Công việc chủ yếu là làm tạp vụ, bán cà phê, đánh giày, giúp việc gia đình hoặc công nhân trong các khu công nghiệp”.
Phương, một cô gái 22 tuổi quê ở Bến Tre cho biết: “Em mới được bạn bè giới thiệu đến đây, cũng tìm được vài người bạn cùng quê rồi. Nói thật là mỗi ngày đi làm, em chỉ mong thời gian trôi đi thật nhanh đến cuối tuần để lên đây chơi.
Giữa thành phố đông đúc như thế này, tự nhiên tìm được một người cùng quê, cùng tiếng nói, thấy thật là vui. Mỗi lần gặp nhau, nói chuyện với nhau bằng tiếng của quê mình khiến em cũng có cảm giác như đang ở quê vậy, đỡ nhớ nhà hẳn.”.
“Chợ tình” nhiều cạm bẫy
Nghe Phương nói, tôi đâm tò mò, biết đâu lại tìm được một người đồng hương ở đây?. Tôi kiếm cho mình một chiếc ghế đá trong hoa viên và… ngồi chờ. Quả nhiên chưa đầy 10 phút sau, một nhóm thanh niên tiến đến gần lân la làm quen.
Qua một vài câu xã giao, được biết người thanh niên tên Tuấn (SN 1988) quê Sóc Trăng, hiện làm trong một quán nhậu gần công viên. Tuấn kể: “Gia đình nghèo khó quá nên anh phải lên thành phố kiếm sống đã hai năm. Xa nhà, lại một thân một mình nên nhiều khi buồn chán, nghe mấy đứa mách đến đây có nhiều người quê Sóc Trăng, cũng là người Khmer nên đến xem thử”.
Khi kể chuyện của mình xong, Tuấn lịch sự nhờ mấy người bạn đi mua giúp ly trà chanh mời bạn mới uống. Đám bạn của Tuấn cũng quây quanh nhao nhao hỏi: “Bồ mới hả anh”?. Thấy nhóm con trai xa lạ vây quanh mình, tôi phát hoảng, chưa biết làm thế nào thì cô bán nước lúc nãy “giải cứu” bằng cách vờ gọi tôi ra lấy nước.
Thoát khỏi đám thanh niên, cô đưa nước cho tôi rồi dặn dò: “Con cẩn thận không là bị lừa đó”. Rồi cô kể: “Ở đây có không ít những người như con đâu. Các con xa nhà nên thường thiếu thốn tình cảm, mục đích đến đây là tìm bạn nói chuyện, nhưng nhiều thằng con trai lợi dụng điều đó để lừa tiền, rồi lừa cả tình luôn đó”.
Từng có những chuyện lừa đảo xảy ra, như trường hợp cô gái người miền Tây làm trong một quán cơm ở quận 5. Nghe mọi người kể chuyện, cô gái cũng đến đây với hy vọng tìm được một thanh niên cùng quê để bầu bạn cho đỡ nhớ nhà. Nhưng tìm được bạn thì tiền mất, bạn cũng mất. Gã thanh niên lợi dụng sự nhẹ dạ của cô gái, hỏi vay 2 triệu đồng, rồi biến mất không dấu vết.
Cô bán hàng nói thêm: “Rồi như trường hợp của con khi nãy, một nhóm con trai quây xung quanh, nếu không cẩn thận là đồ đạc của con sẽ bị chúng thó mất mà không biết”.
Chưa kịp hoàn hồn về những gì cô bán nước vừa nói thì nghe có tiếng lộn xộn bên trong hoa viên. Kế đó, một người thanh niên chạy vụt ra, tuột cả dép, theo sau là một đám người vác gậy gộc chạy theo sau. Đuổi theo không được, đám con trai quay lại chiếc xe máy của người thanh niên bỏ chạy lúc nãy, vung gậy vụt tới tấp. Vụt chán, một đối tượng dựng chiếc xe dậy, co chân đạp đổ. Chỉ một lát, chiếc xe đã bị biến dạng.
Sự việc diễn ra chớp nhoáng, chưa đầy 5 phút thì đám đông cũng giải tán, mọi người lại trở về với những câu chuyện dang dở. Lác đác một vài người chưa tìm được bạn, lại chứng kiến sự lộn xộn lên thất vọng đã bỏ về.
Hai cô gái ở chiếc ghế đá bên cạnh, mới đến chưa kịp ngồi ấm chỗ thì một cậu thanh niên chừng 16 tuổi đi tới chào hỏi:
“Anh hết tiền rồi, từ sáng tới giờ chưa có gì ăn, đói quá nên phải “bán tim” đây này. Em có mua tim của anh không, anh bán lại cho với giá 20 ngàn đồng”.
Tưởng người con trai kia giỡn chơi, nhưng nghe cuộc nói chuyện, hóa ra là thật. Anh chàng đã bỏ nhà đi gần một tháng nay, tìm việc không được vì không có chứng minh thư. Thương tình, cô gái dúi vào tay chàng trai vài ngàn đồng tiền lẻ.
Theo Xa lộ & Pháp luật