Đã bao lần cô gái lên lịch thăm thú nơi địa đầu Tổ quốc - mảnh đất với nhiều mỏm núi đá gồ ghề, những con người mộc mạc, giản dị mà chân chất vào đúng dịp chợ tình Khâu Vai 27/3 âm lịch hàng năm. Nhưng cũng bao lần đó, cô gái lại thở dài và lỡ hẹn vào mùa sau chỉ bởi sự thiếu quyết đoán và thiếu lửa của bản thân.
Chợ tình Khâu Vai - nơi những mối tình dang dở có cơ hội được gặp nhau
Mùa Khâu Vai nữa lại qua, lòng gợn chút xao xuyến, lời hẹn ước chưa được thực hiện, miền sơn cước với những Mèo Vạc, Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, những ruộng bậc thang, hoa cải vàng và hoa mận đào nở trắng rừng vẫn chập chờn trong những giấc ngủ mộng mị mơ về mảnh đất yêu dấu ấy.
Có những chuyện tình không thể nên duyên nhưng sẽ mãi được người trong cuộc gói gọn trong góc nhỏ trái tim để xao xuyến, nhớ nhung, để vấn vương, quyến luyến mỗi độ mùa về.
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, trên địa bàn Khâu Vai ngày nay, một gia đình nông dân nghèo người Nùng có ba người con trai, anh con trai thứ ba với tài thổi sáo và giọng hát rất hay. Tiếng sáo, giọng hát của chàng trai làm xiêu lòng biết bao cô gái trẻ. Nhà nghèo, nhưng chàng trai rất tốt bụng, thấy ai gặp khó khăn, chàng đều sẵn lòng giúp đỡ. Gần đó, nhà Tộc trưởng, người Giáy cô con gái út vừa đến tuổi trăng tròn, với vẻ đẹp làm mê đắm lòng bao chàng trai xứ bản. Nàng hát rất hay, giọng hát của nàng như tiếng chim họa mi hót.
Tiếng khèn của chàng trai trên đỉnh núi, dìu dặt, tha thiết gọi mời, tiếng hát của cô gái dưới bản, réo rắt, lưu luyến nhớ nhung. Mỗi lần nghe tiếng sáo dìu dặt ấy, đôi chân của nàng lại muốn xuống cầu thang chạy đến bên người thổi sáo tâm tình. Chàng trai cũng vậy, mỗi khi nghe tiếng hát của nàng trái tim chàng lại bồi hồi xao xuyến. Đôi trai tài, gái sắc bén duyên nhau từ đó.
Do khác nhau về thân phận, địa vị và dân tộc, mối tình ngang trái của đôi trái gái bị gia đình hai bên phản đối kịch liệt, gây ra xô xát, xích mích, hiềm khích giữa hai tộc người. Biết tình yêu của mình là nguyên nhân gây nên hiềm khích đó, thương cha mẹ, anh em, họ tộc phải đổ máu, hai người đành gạt nước mắt chia tay nhau về lại bản của mình. Họ thề nguyền kiếp sau sẽ nên duyên chồng - vợ và hẹn nhau nhớ ngày chia tay (27/3 Âm lịch) để hàng năm sẽ trở lại núi Khâu Vai gặp nhau, kể nhau nghe nỗi nhớ nhung phải chôn chặt tận đáy lòng.
Năm sau, đôi tình nhân ấy gặp nhau nhưng không phải ở núi Khâu Vai mà là ở thế giới bên kia. Để nhắc nhớ tình yêu của đôi nam - nữ chung tình, tránh kết thúc buồn cho những mối tình dang dở, chợ tình Khâu Vai ra đời từ đó.
"Đợi anh hết mùa lạnh, đợi anh qua mùa đào/Vượt đỉnh Mã Pì Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai".
Vậy là cứ đến hẹn lại lên, 27/3 Âm lịch hàng năm, tại huyện Mèo Vạc, phiên chợ độc nhất vô nhị được mở, để những đôi trai gái phải duyên nhau nhưng lỡ nhịp, những mối tình dang dở có cơ hội được gặp nhau, hàn huyên tâm sự về cuộc sống, để nhớ, để thương, để có những lúc ngoài chồng, ngoài vợ, rồi phải xa nhau và hẹn lại mùa Khâu Vai tới.
Phiên chợ ấy, được gọi là chợ Phong Lưu, không có kẻ mua người bán, duy chỉ có một vài hàng ăn thắng cố và rượu ngô phục vụ những người đến chợ. Chợ họp trên một quả đồi chênh vênh với những chảo thắng cố còn nghi ngút khói, những đôi nam nữ cười nói rạng rỡ khi gặp lại người cũ nhưng cũng không ít người ngậm ngùi ra về sau phiên chợ bởi không gặp được người xưa.
Cô gái mê mải với những lời kể tự sự của người bạn thâm niên đi "phượt" nhiều năm, bén duyên với chợ tình Khâu Vai vài lần, truyền lửa về những nét văn hóa rất riêng còn lại nơi chợ tình giữa sự phát triển của thời hội nhập đã chạm nơi thôn bản. Lời kể da diết với những nhân vật A Sùng, A Lủ, những cụ ông, cụ bà ngoài 80 vẫn chống gậy đến chợ tình tìm về lời ước hẹn năm xưa sau bao phiên chưa có duyên hội ngộ.
Họ vẫn ngồi đó, bên những bát rượu ngô, thắng cố bỏ dở hướng mắt về nơi xa xăm tìm kiếm người thương. Khi màn đêm buông xuống, bước chân lại chậm rãi lê bước trên con đường dẫn họ đến với phiên chợ tình, bỏ lại sau lưng những bộn bề của cuộc sống, những mối quan tâm, chồng, vợ, con cái, gia đình, chỉ để sống với những hồi ức xưa cũ mà không có sự ghen tuông, giận hờn.
Thơm Thất