Trong buổi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong trước câu hỏi: Tại cuộc họp Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt chiều 11-3, ông nói: “các phóng viên đó có lẽ... thiểu năng gì đó” là như thế nào?
Ông Đinh Mạnh Toàn đã liên tiếp “cải chính” rằng không tôi không có ý đó… cho tôi phát biểu lại nhé… rồi tôi nói lại nhé.
Ông Đinh Mạnh Toàn phát biểu trên bàn hội nghị
Sự “cải chính” có phần bối rối đó của ông Toàn khiến nhiều người liên tưởng đến câu nói “họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”. Chỉ vì một chút không cẩn trọng mà ông Toàn đã có một phát ngôn thiếu chuẩn mực. Dẫn đến sự phản ứng dữ dội của dư luận và những hệ lụy thật đáng tiếc. Để giờ đây ông lại “luống cuống” phát biểu lại, nói lại. Thế nhưng có phải cái gì nói ra cũng có thể sửa lại như sửa một câu văn, một bài viết. Hóa ra không phải lúc nào “lời nói” cũng “gió bay”.
Có lẽ ông Đinh Mạnh Toàn cũng cần có lời xin lỗi báo giới, xin lỗi dư luận về phát ngôn chưa đúng của mình. Thay vì phát biểu lại thì một việc làm ý nghĩa hơn, thiết thực hơn và phần nào “cứu vớt” hình ảnh của ông trước nhân dân, trước dư luận, đó là công khai thừa nhận đã sai, đã không đúng khi nói như thế.
Trước đó, chưa đầy nửa tháng, một vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước đã phải kiểm điểm và phải xin lỗi dân về phát ngôn châm biếm người dân “quen hít khí trời miễn phí nên kêu ca khi phải nộp phí rút tiền từ thẻ ATM”. Và bây giờ cục phó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH - Bộ Công an lại “dại miệng” khi phát biểu tại hội nghị cho rằng: “Các phóng viên đó có lẽ là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó, không hiểu thế nào là mũ giả, mũ rởm, mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ …”. Phát biểu của ông Toàn “rất may” đã được báo chí ghi lại làm bằng chứng và phản ánh trước dư luận, để dư luận chính là người phán xét, đánh giá một cách khách quan nhất.
Giang Quyết