43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội thông tin với báo Tiền Phong, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gene của virus sởi ở Việt Nam và trên thế giới.
Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: Phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.
Hiện đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai quyết liệt hơn.
Cho trẻ ăn gì trước nguy cơ dịch sởi lan rộng?
Đối với trẻ vẫn còn bú mẹ thì cần tăng cường cho bú nhiều lần kết hợp với ăn dặm bổ sung hợp lý. Còn với trẻ nhỏ thì khi bị sởi, bố mẹ cần cung cấp đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm của các nhóm chính là: Chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và chất khoáng. Đồng thời, không nên quá kiêng khem để tránh tình trạng thiếu hụt dưỡng chất trong quá trình điều trị bệnh.
Tăng cường cho trẻ bị sởi ăn rau, củ quả có màu vàng và đỏ như: Cà rốt, cà chua, cam, bí đỏ, xoài, đu đủ, dưa hấu,... và các loại rau có màu xanh sẫm như: Rau muống, rau dền, rau ngót, súp lơ xanh, cải bó xôi,... vì chúng có nhiều vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, lượng vitamin A, C,... có trong các thực phẩm này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm lành các tổn thương, ví dụ ở mắt giúp chống mù lòa.
Bên cạnh đó, việc bổ sung kẽm có trong các thực phẩm như: Tôm, lươn, sò, gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, một số loại hạt có dầu,... cũng rất quan trọng trong thực đơn dinh dưỡng của trẻ bị sởi. Ngoài ra, cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như: Cam, bưởi, chuối, xoài, rau ngót, mồng tơi,... để chống lại dị ứng, tăng chức năng miễn dịch.
Cuối cùng, nếu trẻ bị các biến chứng như tiêu chảy hoặc viêm phổi thì nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Trẻ bị sởi không nên ăn gì?
Khi bị sởi, không nên cho trẻ ăn các thực phẩm nhiều gia vị và cay nóng như ớt, tiêu, hành tây, tỏi,... bởi chúng có thể gây ra các phản ứng nhiệt, động huyết, tăng nổi sởi dày hơn.
Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều chất béo như đồ chiên, xào và có nhiều dầu mỡ, chất bảo quản. Ngoài ra, cũng nên tránh các thực phẩm đóng hộp, nướng, xông khói từ nội tạng động vật. Đồng thời, cũng nên hạn chế các loại bánh kẹo, sô-cô-la.
Ngoài ra các thực phẩm như đậu nành, đậu tương có chứa lượng đạm cao cũng không tốt cho quá trình điều trị bệnh sởi ở trẻ. Cạnh đó, nếu thấy trẻ có biểu hiện dị ứng với các loại thực phẩm như hải sản, đậu, pho mát, sữa,... thì cũng cần tránh xa để tránh gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
Không cho trẻ uống đồ uống có ga, có cồn bởi chúng không chỉ gây mất nước mà còn khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
Phong Linh (tổng hợp)