Khu di tích lịch sử Lam Kinh, nay thuộc thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), được bắt đầu xây dựng vào năm 1433, sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà. Khu đất rộng hơn 160ha này được các bậc tiền nhân lựa chọn dựa trên các quy chuẩn về phong thủy, với thế đất “tựa sơn, đạp thủy” rất “đắc” trong quan niệm người Á đông xưa.
Tại đây, nhà Lê đã cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn ở đất Lam Sơn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua, thái hoàng, thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ, nơi khi vua lễ bái yết sơn lăng. Vì vậy, đất Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội.
Ngoài ra, nơi đây từng tồn tại hệ thống các công trình thuộc Hành cung xưa là nơi nghỉ ngơi và làm việc của vua, trong đó, công trình lớn nhất là Chính điện Lam Kinh đã được phục dựng tôn tạo lại trên cơ sở nền móng của tòa Chính điện Hành cung Lam Kinh xưa.
Theo đó, Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo từ năm 2010 với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng và chính thức đưa vào khai thác du lich từ đầu tháng 4 vừa qua.
Chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành một trong những công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất tại Việt Nam, với khối lượng gỗ lim dùng để phục dựng, tu bổ là hơn 2.000 m3.
Chính điện Lam Kinh nằm trên diện tích hơn 1.600m2, là một trong những công trình chủ đạo, trung tâm di tích Lam Kinh với kiến trúc hình chữ Công, gồm Tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê).
Công trình có kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột với tổng 138 cột lớn nhỏ, đồng thời, được trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật và hoa lá thời Lê chạm nổi...
Trên mái chính điện được lợp ngói mũi hài phục chế bằng đất nung với mặt ngói hình hoa sen, diềm mái có hoa văn lá đề bằng đất nung và ngói lót trang trí mặt trong hình chữ Thọ.
Đáng chú ý, bên trong chính điện, nhiều nội thất và vât dựng được phục dựng và sơn son thếp vàng với giá trị gần 40 tỉ đồng, như gợi về một thời hào hùng của vương triều Hậu Lê đã từng tồn tại và phát triển rực rỡ trong lịch sử phong kiến nước ta.
Theo Ban quản lý khu di tích Lam Kinh, việc tu bổ, phục dựng cũng như bài trí nội thất, vật dụng trong Chính điện Lam Kinh được thực hiện trên cơ sở từ các nghiên cứu lịch sử cũng như tham khảo từ các công trình tương tự của thời Hậu Lê.
Một số hình ảnh Chính điện Lam Kinh:
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Lam Kinh. Các hạng mục đã phục hồi, tôn tạo, như: các lăng mộ, nhà bia, chính điện, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ, giếng cổ, sông ngọc... với tổng giá trị dự án hơn 200 tỉ đồng.
Năm 2012, di tích Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Khu di tích Lam Kinh cũng được nhiều người biết đến với câu chuyện về cây ổi "cười", cây lim hóa thân, cây đa thị... với nhiều huyền bí chưa thể lý giải hết được.