Tử Cấm Thành
Trung Quốc là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Do đó đây cũng là nơi có nhiều công trình kiến trúc cổ đại độc đáo và hoành tráng nhất trên thế giới, trong đó không thể không nhắc đến Tử Cấm Thành, còn được gọi là Cố Cung.
Tọa lạc ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, Tử Cấm Thành từng là nơi sinh sống của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Quần thể hoàng cung này bắt đầu được xây dựng vào năm thứ 4 đời vua Vĩnh Lạc (tức là năm 1406) và hoàn thành sau 14 năm (tức là năm 1420).
Là nơi ở của hoàng đế và hậu cung với hàng nghìn cung tần mỹ nữ nên bên trong cung điện hoàng gia này có tới 9.999 căn phòng, ít hơn 1 căn so với 10.000 phòng ở trên Thiên Cung – nơi Ngọc Hoàng Đại Đế cai quản trong truyền thuyết. Tử Cấm Thành gắn liền với số 9. Theo quan niệm của người Trung Quốc xưa con số này đại diện cho cực dương và hoàng đế. Để có thể diện kiến hoàng đế thì phải đi qua 9 cánh cổng. Trên nóc Cung Điện Hoàng Gia bên trong Tử Cấm Thành trang trí 9 hình linh thú giống rồng. Trên Đại môn (cửa chính) cũng bố trí 81 chiếc núm đinh 9 dọc, 9 ngang.
Ngày nay, Tử Cấm Thành là địa điểm tham quan nổi tiếng nhất nhì của Trung Quốc, đồng thời là một trong những bảo tàng với bộ sưu tập lớn nhất về các cấu trúc gỗ cổ được bảo trì tốt trên Trái đất. Mỗi năm Bảo tàng Cung điện đón hơn 14,6 triệu lượt khách, được biết không có bảo tàng nghệ thuật nào trên thế giới đạt được con số như vậy.
Cung điện dát vàng Istana Nurul Iman
Là quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á song Brunei lại có nguồn dự trữ khí đốt và dầu mỏ khổng lồ. Điều này giúp Brunei trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc top cao bậc nhất thế giới. Bên cạnh đó Brunei cũng được biết đến với nhiều cung điện lộng lẫy, xa hoa.
Trong đó, cung điện Istana Nurul Iman (ghép từ tiếng Malaysia và Ả Rập với ý nghĩa “Cung điện ánh sáng của các vị thần”) nằm tại thủ đô Bandar Seri Begawan là cung điện lớn nhất thế giới với quy mô lớn gấp nhiều lần cung điện Buckingham ở Anh. Không chỉ là nơi cư ngụ của quốc vương Hassanal Bolkiah và các thành viên hoàng gia, đây cũng là nơi làm việc của quốc hội Brunei. Bắt đầu được thi công vào khoảng năm 1984, ước tính chi phí xây dựng cung điện này lúc đó là 1,4 tỷ USD.
Không chỉ rộng lớn, “ngôi nhà của vua Bolkiah” còn có vị trí vô cùng đắc địa: nằm bên con sông Brunei thơ mộng, cách thủ đô Bandar chỉ vài km về phía Nam. Istana Nurul Iman có tới 1.788 phòng, bao gồm 257 phòng ngủ, phòng họp cho Quốc hội có sức chứa 5.000 người. Đặc biệt, trong lòng cung điện có cả 1 nhà thờ tên Jame Hassanal Bolkiah với sức chứa 1.500 người.
Khắp nơi tại cung điện này, các chi tiết kiến trúc hình bầu đều bằng vàng với khối lượng lên tới hàng chục tấn. Quốc vương còn cho xây một gara với sức chứa 110 xe hơi để thỏa mãn niềm đam mê xế hộp. Trong cung điện cũng có khu nuôi ngựa với điều hòa nhiệt độ cho 200 con bảo mã. Cung điện có tới 5 bể bơi cùng vườn cây xanh mát với diện tích lên tới 200.000 m2. Không chỉ là nơi ở của nhà vua, công trình này còn là biểu tượng quốc gia và là niềm tự hào của người dân Brunei.
Cung điện mùa đông
Cung điện mùa đông cũng là bảo tàng Hermitage là một trong những tòa nhà tráng lệ nhất ở St. Petersburg, Nga. Đây từng là nơi sinh sống của các Nga hoàng, sau khi chế độ Nga hoàng sụp đổ thì trở thành nơi họp hành của Chính phủ lâm thời và ngày nay là bảo tàng nghệ thuật trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật vô giá của thế giới.
Công trình này được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 90.000 m2 theo phong cách nghệ thuật Baroque với hơn 1000 phòng, 117 cầu thang, gần 2000 cửa sổ, 1786 cửa lớn cùng gần 200 trăm tác phẩm điêu khắc được đặt khắp nơi.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Cung điện mùa đông đã được sơn lại nhiều lần với nhiều màu sắc khác nhau như hồng, đỏ, vàng,…và màu sơn hiện tại là màu xanh ngọc nhạt.
Cung điện Versailles
Cung điện Versailles nằm ở phía Tây thủ đô Paris, tại thành phố Versailles(Pháp). Cung điện được xây dựng vào năm 1623 theo lệnh của vua Louis XIII với dự định ban đầu sẽ là một nhà săn bắn. Tuy nhiên, năm 1682, vua Louis XIV đã mở rộng và chuyển vị trí quyền lực chính trị từ Paris sang cung điện này, biến nó thành nơi ở chính thức của hoàng gia Pháp.
Sau khi hoàn thành, cung điện Versailles trở thành biểu tượng cho sự giàu có và hùng mạnh của một trong những cường quốc châu Âu. Vua Louis XIII, Louis XIV, Louis XV, Louis XVI...đều đã từng sinh sống ở đây.
Xứng đáng là một trong những công trình kiến trúc đồ sộ bậc nhất thế giới, cung điện Versailles khiến người xem choáng ngợp với các con số ấn tượng như: 700 phòng, 2.513 cửa sổ, 352 ống khói, 67 cầu thang, 483 chiếc gương. Ngoài ra, còn có 55 hồ nước lớn nhỏ, 600 vòi phun nước và 35km kênh đào chạy quanh khu lâu đài này.
Minh Hoa (t/h)