Lớp học “ép phê”
Điểm dễ nhận thấy, đa phần các Trung tâm luyện thi đều có nội dung quảng cáo na ná nhau, đại loại như lớp sĩ số ít, thi đạt tỷ lệ cao, giảng viên được tuyển chọn tại các trường ĐH, CĐ có uy tín. Nhưng có mục sở thị mới thấy thực tế đến đau xót.
Lớp học kéo dài từ lớp ra hành lang, nhiều bạn phải che ô vì nắng
Tại lò luyện thi của Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp và dạy nghề (Cầu Giấy - Hà Nội). Mặc dù 7h30 buổi học mới bắt đầu nhưng 6h30 lớp học đã gần như kín chỗ. Càng đến gần giờ dạy, không khí trong lớp học càng trở nên ngột ngạt khi từng tốp học sinh khác đang ùn ùn vào lớp. Hơn 700 học sinh lèn trong một lớp học, chật như nêm cối. Mỗi bàn học dài khoảng 2m có tới 7, 8 học sinh lèn chặt. Trên bục giảng nơi để giáng viên đứng giảng bài cũng được trung tâm tận dụng một cách tối đa làm chỗ ngồi học cho học sinh.
Nhưng vẫn có hàng trăm học sinh khác thiếu may mắn hơn, phải ngồi học ngoài hành lang. Và giữa cái nóng khô ngạt đến kinh người, những học sinh này vẫn lụi cụi ghi ghi chép chép, mồ hôi túa thành giọt. Hỏi ra mới biết, có rất nhiều em ở Sóc Sơn, Thường Tín cách lớp học hang chục km cũng tới ôn thi.
Thoáng thấy tôi cứ luôn tay quệt mồ hôi, Lan, học sinh trường THPT Hoài Đức bật mí: “Kinh nghiệm xương máu sau ít buổi luyện thi tại đây là nếu muốn ngồi trong lớp thì phải đến từ 6h30, còn không phải chịu ngồi ngoài hành lang, vừa nắng nóng vừa khó nghe.
Giữa không khí giảng dạy đầy “ép phê” như vậy, không khó hiểu khi đến giữa buổi học, nhiều học sinh đã nằm gục xuống bàn “phiêu du”, chẳng màng tới thực tại đầy khổ hạnh như giữa Hỏa diệm sơn và cả những bài giảng đầy hoa mỹ.
Kiên cường hơn, nhiều em mang cả quạt điện ở nhà đi và dùng ô để che nắng. Ở một góc khác của lớp học, một số khác thể hiện ý chí học hành bằng cách chơi điện tử, tán chuyện tầm phào Cả lớp học cứ thi thoảng lại rộn lên những tiếng râm ran. Ngoài sự chật chội, hỗn loạn do học sinh quá đông, phương pháp giảng dạy của giáo viên Nguyễn Nguyệt Hà dạy môn Ngữ Văn cũng rất đặc biệt.
Cô giáo này cho cả lớp đọc đồng thanh lại bài hôm trước, đọc đi đọc lại hai ba lần và chuyển sang ý mới. Oái oăm thay, cách giảng này lại được nhiều học sinh hưởng ứng. Nga, một học sinh trong lớp bày tỏ: “Cô kể chuyện rất vui, bài giảng cũng thú vị nhưng tại lớp ồn ào quá nên em không nghe được gì. Lỡ tham gia lớp học rồi nên cứ đến thôi.
Xuất hiện nhiều trung tâm luyện thi giả
Nhiều mùa thi đã qua nhưng tại Hà Nội vẫn tồn tại đầy rẫy những trung tâm luyện thi không đủ tiêu chuẩn hoạt động. Có nhiều thông tin quảng cáo đánh lừa thí sinh như lớp học đảm bảo trúng tuyển 100%, không trúng tuyển sẽ hoàn lại học phí hoặc cách quảng cáo ăn theo thương hiệu của các trường ĐH nổi tiếng.
Tại các cổng trường đại học, nhiều trung tâm luyện thi dán thông báo luyện thi các khối A, D với tiêu chí: Lớp ít học sinh, đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm, trong khi dạy có kiểm tra định kỳ. Phòng học máy lạnh, máy chiếu, học sinh vào học phải có thẻ nhưng vẫn khá ít thí sinh đến đăng ký. Giá mỗi buổi học tại khu vực này được đánh giá bình dân. Buổi chiều hai ca thời gian 3 giờ là 70.000đ. Nếu đăng kí học tối một ca (1, 5 giờ) là 50.000đ với sĩ số lớp học chỉ 10-15 học sinh /lớp.
Tuy nhiên, nhiều trung tâm dạng này được đánh giá là lắm chiêu trò luôm nhuôm. Đinh Hoài Linh, một học sinh trường Trần Phú cho biết: “Em từng theo tờ rơi để đăng ký ôn thi. Họ quảng cáo chất lượng tốt, giáo viên tên tuổi và có tuyển lựa học sinh theo trình độ để ôn luyện. Nhưng em đến đúng lịch khai giảng thì họ thông báo tạm nghỉ, đến khi chính thức học và lại đổi giáo viên. Thấy kiểu làm ăn mập mờ, em và các bạn đành thuê gia sư dạy riêng”.
Ngoài ra theo khảo sát của PV Người đưa tin trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện nay đang xuất hiện rất nhiều các lò luyện thi đại học trực tuyến với nhiều mức giá khác nhau: Rẻ nhất là 150.000 đ /khóa học, cao hơn là 300.000đ/khóa học. Trước món lợi từ luyện thi đại học, không ít người đã lợi dụng danh tiếng giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để quảng bá hình ảnh.
Lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện nay, trên có rất nhiều văn phòng trung tâm gia sư và nhiều tờ rơi, biển quảng cáo hoạt động gia sư giả danh cán bộ, sinh viên của ĐH Sư phạm Hà Nội nhằm lợi dụng uy tín của nhà trường để trục lợi. Trước tình trạng này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thông báo, Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, các Phòng, Ban, Khoa và các đơn vị trực thuộc trường không tổ chức bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc gia sư. Nhà trường nghiêm cấm bất cứ một cán bộ, học viên sau đại học, sinh viên nào của trường và các cá nhân khác được phép đứng trên danh nghĩa và lợi dụng uy tín của trường để tổ chức các hoạt động gia sư.
Quá nhiều đầu mối cấp phép Theo nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn trong các lò luyện thi ĐH hiện nay là do có nhiều đầu mối cấp phép, sự phối hợp giữa các trường ĐH với Sở GD-ĐT Hà Nội thiếu chặt chẽ và tình trạng quản lý lỏng lẻo của đơn vị chủ quản cũng đã đến lúc phải báo động. Trong khi đó, vấn đề xử lý thì hầu như còn bỏ ngỏ. |
Cao Tuân