Choáng váng với những hóa đơn nước hàng chục triệu đồng từ “trên trời rơi xuống”

Choáng váng với những hóa đơn nước hàng chục triệu đồng từ “trên trời rơi xuống”

Đỗ Thị Nga

Đỗ Thị Nga

Thứ 2, 18/02/2019 11:01

Khác với số tiền nộp tiền nước hàng tháng từ vài trăm đến vài triệu đồng, bỗng dưng gia đình chị Vũ Thị Thu nhận được hóa đơn tiền nước tháng 2 phải trả là 23 triệu đồng từ Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy khiến cả gia đình chị giật mình, ngã ngửa.

Theo Infonet, gia đình chị Vũ Thị Thu số nhà 106B – C1 Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có phản ánh, gia đình chị có mua lại căn hộ tập thể này từ chủ cũ đã vài năm nay để mở cửa hàng kinh doanh ăn uống. Gia đình vẫn sử dụng nước theo hợp đồng từ chủ cũ đã ký với Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy.

Theo đó, hàng tháng sản lượng nước sử dụng của cửa hàng chị Thu dao động từ 22m3 đến 72m3. Thế nhưng, ngay trước Tết Nguyên đán, chị Thu nhận được thông báo của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy với sản lượng nước tăng đột biến, bất thường lên tới 940m3 (chỉ số cũ là 3389 và chỉ số mới là 4329). Tổng số tiền phải thanh toán là hơn 23,6 triệu đồng (bao gồm: 10m3 giá nước sinh hoạt là gần 60.000 đồng, 930m3 nước theo giá kinh doanh là hơn 20,5 triệu đồng; cộng với 5% thuế VAT và 10% phí bảo vệ môi trường). 

Tiêu dùng & Dư luận - Choáng váng với những hóa đơn nước hàng chục triệu đồng từ “trên trời rơi xuống”

Giấy thông báo tiền nước tháng 2 với tổng số tiền hơn 23,6 triệu đồng mà chị Thu ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được từ Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy.

Quá sốc, chị Thu ngay lập tức đã làm đơn gửi lên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy trước việc khối lượng nước tăng bất thường này.

Chị Thu cho biết, đường ống nước vào nhà đi đường ống nổi, không có bể ngầm mà chỉ có 2 téc chứa. Cửa hàng kinh doanh nhưng toàn bộ đồ đạc đều được mang về xưởng rửa rồi mang lên chứ không rửa ở cửa hàng nên mỗi ngày chỉ dùng không đến 2m3 nước.

Theo chị Thu, khu tập thể chỉ bơm nước theo giờ, mỗi ngày 8 tiếng bơm (buổi sáng từ 6h30 đến 10h30 và buồi chiều bơm từ 14h30 đến 18h30).

“Mỗi giờ bơm chỉ chạy được 3 khối nước. Giả dụ có bị rò rỉ, thất thoát nước đi chăng nữa thì mỗi ngày cũng chỉ bơm được 24m3; 1 tháng 30 ngày thì cũng chỉ đến mức 720 m3. Nhưng theo thông báo là tận 940m3, như vậy là chênh lệch nhau đến 220m3. Khối lượng nước theo thông báo phải cả trăm hộ dùng mới hết. Bây giờ họ cứ ra thông báo để thu tiền và nếu không đóng thì họ sẽ cắt nước….” chị Thu nói.

Cũng theo chị Thu, sau khi gửi đơn lên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, ngày 10/1 âm lịch (tức ngày 14/2) Xí nghiệp đã cho nhân viên xuống kiểm tra.

Khi xuống nhân viên chỉ kiểm tra việc rút nước thì đồng hồ có chạy hay không, chứ cũng chưa tháo đồng hồ đi kiểm định.

“Gia đình tôi có thử khóa van nước vào nhưng đồng hồ vẫn quay dù không có nước chảy vào. Nhưng khi nhân viên Xí nghiệp nước tiếp tục xuống kiểm tra thì khi họ khóa van nước trước đồng hồ, rồi nhấc phao ở téc đựng ra thì đồng hồ lại không quay và họ kết luận đồng hồ không làm sao mà do gia đình dùng….:, chị Thu thông tin thêm.

Ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội) xác nhận có trường hợp khách hàng nói trên.

Sở dĩ sản lượng nước của khách hàng ở địa chỉ 106B – C1 Nghĩa Tân tăng vọt lên 940m3 được ông Cương cho biết nguyên nhân là do đường ống sau đồng hồ, ở trong nhà khách hàng bị vỡ và trung bình 1h chảy 3m3 nước.

Cùng với đó, ông Cương khẳng định, Xí nghiệp thực hiện một ngày bơm nước 12 tiếng, nhân viên làm việc có sổ giao ca, chứ không phải bơm 8 tiếng/ngày như chị Thu phản ánh.

Tiêu dùng & Dư luận - Choáng váng với những hóa đơn nước hàng chục triệu đồng từ “trên trời rơi xuống” (Hình 2).

Lịch sử sử dụng nước hàng tháng của  nhà chị Vũ  Thị Thu mà PV Infonet tra trên hệ thống của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội  theo mã khách hàng.

“Đường ống của khách hàng bị vỡ, đã lập biên bản lúc kiểm tra, vì thế nếu khách hàng không thanh toán tiền nước, theo đúng hợp đồng chúng tôi sẽ hủy hợp đồng, tạm dừng cấp nước”, vị Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy nói.

Liên quan đến việc khóa van nước chảy vào nhưng đồng hồ vẫn quay, ông Cương cho hay, có thể do khách hàng đóng van trước đồng hồ chưa chặt.

“Tôi khẳng định 100% khi không có nước chảy qua thì đồng hồ nước sẽ không quay. Các đồng hồ nước của đơn vị đều được kiểm định, 90% là đồng hồ đúng. Khi có tác động của dòng nước thì đồng hồ mới quay, còn không đồng hồ chỉ có thể không đúng vì chạy chậm lại chứ không có khả năng chạy nhanh lên. Nếu khách hàng vẫn không tin thì sẽ mang đồng hồ nước đi kiểm định”, ông Cương khẳng định.

Không chỉ đến bây giờ, tình trạng đồng hồ “nhảy múa” khiến hóa đơn tiền nước tăng hàng chục triệu đồng mỗi tháng mới diễn ra mà trước đó rất nhiều hộ dân đã gặp phải những tình cảnh tương tự.

Theo soha, trước đó, gia đình bà Hoàng Thị Hòa (xóm Lẻ, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội)  cũng giật mình khi nhận được thông báo chỉ trong tháng 4/2016 gia đình bà sử dụng hết 1.000m3 nước với tổng số tiền phải đóng lên đến hơn 19 triệu đồng  của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Triều Khúc. Cả gia đình bà đã rất sốc bởi con số này gấp nhiều lần so với những tháng trước đó.

Sau đó gia đình bà có đề nghị HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Triều Khúc kiểm định lại đồng hồ nước. Tuy nhiên, kết quả kiểm định lần 1 do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội thực hiện vẫn đúng như vậy khiến gia đình bà không thấy thỏa đáng và yêu cầu cần phải kiểm định lại lần 2. Tuy nhiên, vì quá mệt mỏi và sợ bị cắt nước nên gia đình bà đã ngậm ngùi chấp nhận đóng đầy đủ số tiền này cho HTX.

Trước đó, Pháp luật Việt Nam cũng đã phản ánh, gia đình ông Trần Đức Long (người kế thừa Hợp đồng nước của ông Trần Sinh Tài) tại địa chỉ tổ 30/203/39 đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cũng choáng váng sau khi nhận được tờ hóa đơn 1.000 m3 nước/tháng của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa (thuộc Cty Kinh doanh nước sạch Hà Nội).

Không đồng ý trước sự việc, ông Long đã kiến nghị với Xí nghiệp, đồng thời cung cấp nhiều căn cứ nhằm chứng minh những con số trong tờ hóa đơn tiền nước tháng 2/2013 của mình là “trên trời rơi xuống” so với nhu cầu nước sinh hoạt bình quân thực tế của gia đình này -  khoảng 20 - 30m3/tháng.

Ông Long cũng cho biết, ông không chỉ “hoa mắt” vì tờ hóa đơn tiền nước không tưởng nói trên mà còn “choáng” vì những lời giải thích và dọa cắt nước đến không ngờ từ cán bộ Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa.

Một trường hợp khác nữa là khách hàng Lê Anh Trung (trú tại 12/29/18 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TP.HCM) cũng ngả ngửa khi nhận tờ hóa đơn tiền nước tháng 5/2013 trị giá hơn 22 triệu đồng (tương đương 1.721m3) từ Cty CP Cấp nước Nhà Bè. Điều đáng nói, sau khi thắc mắc với đơn vị chủ quản thì anh cũng nhận được quả đắng tương tự.

Tiêu dùng & Dư luận - Choáng váng với những hóa đơn nước hàng chục triệu đồng từ “trên trời rơi xuống” (Hình 3).

Hóa đơn tiền nước “khủng” của khách hàng Lê Anh Trung (trú tại 12/29/18 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TP.HCM).

Ông Châu Quốc Tuấn, chuyên viên Bộ phận Giải đáp sự cố về nước của Công ty nói rằng, việc đồng hồ chạy với tốc độ “phi mã” như trường hợp của ông Trung không phải là chuyện cá biệt, hiếm gặp.

Bởi đơn vị này đã ghi nhận một trường hợp nước sinh hoạt bị rò rỉ tới 3m3/h. Và vẫn với “điệp khúc” rất cũ mà các đơn vị kinh doanh nước thường giải đáp cho khách hàng mỗi khi có sự cố, ông Tuấn nói: “Quận 4 và quận 7 là hai khu vực áp lực nước sinh hoạt rất mạnh nên thường xuyên xảy ra sự cố bể ống, rò rỉ nước sau đồng hồ. Theo quy định, các trường hợp sự cố xảy ra sau đồng hồ thì người sử dụng phải chịu trách nhiệm”.

Ông Lê Anh Trung bức xúc vì lượng nước thất thoát trong một tháng ở mức khủng như thế thì ngôi nhà của ông chắc chắn sẽ ngập trong một bãi lầy, bởi 10 tháng trước khi xảy ra sự cố ngàn “khối”, bình quân mỗi tháng gia đình này sử dụng hết từ 150 - 235 ngàn đồng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là chỉ số nước cao do thất thoát hay đồng hồ cũ nên báo sai. Việc này, đại diện Cty CP Cấp nước Nhà Bè giải thích, theo quy định, hạn sử dụng đồng hồ nước là 5 năm hoặc chỉ số trên  đồng hồ báo 4.000 m3 trở lên mới được thay và phải do bên cấp nước thực hiện. Trường hợp chậm thay đồng hồ nước (cũ) theo doanh nghiệp này là rất thiệt thòi cho đơn vị kinh doanh nước “vì đồng hồ cũ thường chạy rất chậm”.

Nga Quỳnh (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.