Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cuối bản Tỉn Pù, xã Quang Phong, Quế Phong, Nghệ An có một cây lộc vừng cổ thụ đứng sừng sững.
Nhìn thân cây ai cũng trầm trồ khen ngợi. Bởi thế cây rất phóng khoáng. Phía thân trên cây lộc vừng có nhiều nhánh đan xen với nhau che kín cả toàn thân. Vào khoảng tháng 4, hoa lộc vừng sẽ nở rực rỡ từng chùm đỏ thắm.
Nói về nguồn gốc cây cảnh này ông Lang Văn Anh, Trưởng bản Tỉn Pù cho biết, không ai trong bản biết chính xác cây lộc vừng này có từ bao giờ, chỉ biết từ khi sinh ra đã thấy cây sừng sững như thế này rồi.
Từng có nhiều người yêu cây cảnh "nhòm ngó" và trả giá cao nhưng bà con dân bản quyết không bán.
“Mấy năm trước, có người đến hỏi mua và trả giá 500 triệu đồng. Dân bản họp bàn và quyết chỉ đồng ý ‘đổi’ cây lộc vừng với điều kiện người mua phải mở rộng con đường 1km từ Quốc lộ 48D vào bản, để thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Ban đầu, họ đồng ý nhưng do vướng việc đền bù mặt bằng liên quan đến mở rộng đường nên sau đó thỏa thuận không thành, vị khách cũng chưa thấy quay lại”, Trưởng bản Tỉn Pù Lang Văn Anh chia sẻ.
Mặc dù bị rỗng ruột, nhưng cây lộc vừng cổ thụ này vẫn đâm mầm nhỏ, khẳng định sức sống mãnh liệt.
Để nói chính xác tuổi cây là bao nhiêu không ai dám chắc, nhưng người dân đều cho rằng cây này đã trên trăm tuổi. Đối với dân chơi cây cảnh, lộc vừng cổ thụ được xem là loại cây quý. Người chơi cây quan niệm lộc vừng sẽ “phát lộc” cho gia chủ, với một năm mới đầy tài lộc, may mắn.
Trước đó cũng có cây lộc vừng có tuổi đời hàng trăm năm được nhiều người trong giới cây cảnh chú ý đến. Theo báo Dân Trí, cây thuộc quyền sở hữu của ông Phùng Quốc Tình (Hà Nội).
Cây lộc vừng có tuổi đời hàng trăm năm đang trong quá trình hoàn thiện, chủ nhân phải giấu kỹ bởi rất nhiều đại gia đến hỏi mua với giá trên 1 tỷ đồng.
Trúc Chi (t/h)