“Liều lĩnh" tạo nên bước ngoặt
Nguyễn Thành Trung, CEO của Axie Infinity là một chàng trai trẻ sinh năm 1992. Trong giới công nghệ, có lẽ người ta không mấy xa lạ, thế nhưng để tiếng vang tới cả cộng đồng trong nước tới thế giới, 29 tuổi điều này mới tới.
Sau 3 năm cùng Sky Mavis, từ số 0 tới 3 tỷ USD, Nguyễn Thành Trung được CoinDesk gọi là người "làm cho tiền điện tử trở nên thú vị hơn và thúc đẩy trào lưu play to earn - chơi để kiếm tiền".
Trở lại năm 18 tuổi, Trung từng thi vào THPT Chuyên Toán – Tin (Trường Đại Học Khoa học Tự nhiên, thuộc ĐHQG Hà Nội) và sau đó theo học ngành Kỹ sư phần mềm tại FPT. Tuy vậy, đến năm thứ 2, anh đã bỏ dở giữa chừng việc học đại học để bắt tay vào khởi nghiệp.
Ở lứa đầu 9x, có lẽ quyết định bỏ ngang Đại học được coi là một quyết định liều lĩnh, có thể đánh mất đi tương lai. Nhưng 19 tuổi, bằng tất cả đam mê, Trung đã trở thành CTO của một trong những startup công nghệ đình đám lúc bấy giờ - Lozi (tiền thân của ứng dụng giao hàng LoShip hiện nay).
Sau khi rời Lozi, Trung đã làm việc tại TrustSocial - nhà cung cấp hồ sơ tín dụng lớn nhất châu Á với hơn 1 tỷ người dùng tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Trung cũng từng có thời gian làm việc tại Anduin Transactions - một công ty công nghệ tài chính có trụ sở đặt tại Mỹ.
Không dừng lại ở đó, “nhảy việc" hay đưa ra những quyết định bước ngoặt, dường như đã quá quen thuộc với cái đầu “nảy số" liên tục của chàng trai trẻ này, sau khoảng ba năm khởi nghiệp, Nguyễn Thành Trung quyết định đi học trở lại để khiến gia đình không phải thất vọng.
Cũng vào thời điểm này, Trung bắt đầu làm quen với game blockchain và xây dựng game hàng đầu, sản phẩm công nghệ gây bất ngờ với làng game thế giới. Nguyễn Thành Trung cũng các cộng sự chính thức sáng lập Sky Mavis và bắt tay vào gây dựng tựa game Axie Infinity.
Để rồi tới thời điểm này, CoinDesk - một trong những công ty truyền thông lớn và lâu đời nhất về tiền điện tử mới đây đã công bố danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất đến lĩnh vực tiền điện tử trong năm.
Và cái tên Nguyễn Thành Trung cùng Axie Infinity cũng được gọi tên trong danh sách này. Trong bài viết dài 4.000 chữ, trang này mô tả kỹ sư 9x có năng khiếu, luôn theo đuổi những điều tốt nhất, đồng thời anh cũng là một quản lý tài năng.
Phải “làm ra sản phẩm tốt hơn game mình đang chơi"
Có thể nói, điểm đáng chú ý Sky Mavis chính là startup ứng dụng công nghệ blockchain vào game, trong đó nổi bật nhất là Axie Infinity.
Đồng thời, Axie Infinity được gọi là tựa game blockchain đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hiểu nôm na, đây là một vũ trụ thú cưng kỹ thuật số, nơi người chơi chiến đấu, nuôi nấng và trao đổi những sinh vật dễ thương có tên Axies để người chơi có thể trải nghiệm.
Quan trọng nhất, điều khiến game của Việt Nam trở nên đặc biệt và được săn đón toàn cầu chính là vì các đồng này có thể giao dịch trên các sàn tiền điện tử lớn như Binance. Người dùng cũng có thể rút tiền về sau khi bán.
Theo thống kê của trang CoinMarketCap, một chuyên trang theo dõi hầu hết các đồng tiền điện tử, giá trị đồng AXS trong game Axie Infinity tiếp tục đà tăng.
Theo đó, Axie Infinity tạo ra 488 triệu USD doanh thu trong từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2021, giá đồng AXS tăng vọt giúp Đội ngũ sáng lập Sky Mavis sở hữu gần 1 tỷ USD.
Qua tháng 9, Axie Infinity vẫn tiếp tục leo dốc: vào ngày 5/9, AXS có giá trị 80 USD, giúp vốn hóa của doanh nghiệp tăng lên 4,8 tỷ USD trong khi đó Ethereum có giá 3.885 USD. Đầu tháng 10, sau vài bước loạng choạng ở tháng 9, đồng AXS trở lại ngoạn mục, thậm chí còn bật tăng tới 50% để lập đỉnh mới 120 USD, tương ứng vốn hóa đạt 7,3 tỷ USD.
Hôm 5/10, Sky Mavis tuyên bố đã kêu gọi thành công 125 triệu USD ở vòng Series B và chính thức trở thành kỳ lân thứ 3 của Việt Nam. Đây là một vòng gọi vốn quy mô rất lớn – nếu so trong vài năm gần đây, giá trị chỉ thấp hơn VNPay (kỳ lân thứ 2 của Việt Nam) là 250 triệu USD. Vòng gọi vốn Series B của Momo có 28 triệu USD, Kiot Viet 45 triệu USD hay ELSA 15 triệu USD.
Chia sẻ về quá trình xây dựng nên thương hiệu game hàng đầu Việt Nam và gây ấn tượng với cộng đồng thế giới, Nguyễn Thành Trung cho biết, bản thân từ bé đã nghiện chơi game.
“Tôi khởi nghiệp với Axie Infinity năm 2018, với suy nghĩ sẽ làm tốt hơn game mình đang chơi. Thời điểm bắt đầu là như vậy”, Nguyễn Thành Trung bộc bạch.
Lí do khác, Trung nhấn mạnh đã có lần anh email cho đội ngũ phát triển game nhưng lại không được hồi âm, nên càng làm anh thôi thúc hoàn thiện một sản phẩm cho riêng mình.
Chọn blockchain bởi sự cởi mở và dễ tiếp cận
Khi bắt đầu Sky Mavis, Thành Trung đã rủ thêm bốn người khác là những anh em, đồng nghiệp cũ, bạn chơi game và hình thành "đội hình lõi" đồng sáng lập Công ty Sky Mavis, chuyển từ Mỹ, Na Uy sang Việt Nam sinh sống, khởi nghiệp. Từ đó, cả nhóm đã lên ý tưởng và bắt đầu dự án từ cuối 2017.
Trung từng chia sẻ với báo chí, thời gian đầu rất ghét công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi - khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa phức tạp) vì người ta hay nói đến giá Bitcoin, huy động tài chính cho các dự án tiền điện tử ICO.
Bởi thời điểm đó, ICO hay bị gắn với những thông tin lừa đảo, làm giàu nhanh. Do có quan niệm rằng việc này không đúng với đạo đức nên Trung ghét ICO, ghét sang cả blockchain.
Tuy nhiên, những năm 2017-2018, công nghệ blockchain rất nổi, Trung lại có tiếp xúc với một game blockchain, đồng thời, quen được hai trong số 4 bạn đồng sáng lập của công ty hiện giờ. Trung nhận ra rằng, bản chất của blockchain không hề xấu, vấn đề nằm ở việc sử dụng như thế nào thì lại tùy vào người làm, ứng dụng nó.
So sánh về khởi nghiệp với blockchain hay theo cách truyền thống, Thành Trung cho biết, môi trường blockchain có một số điều lợi như dễ tiếp cận hơn so với mô hình truyền thống.
Cụ thể, startup truyền thống bây giờ quá cạnh tranh, cách thức vận hành được định hình chuẩn nên người khởi nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh với nhiều team khác. Vì thế, rất khó cho những người mới muốn bước vào thị trường và làm một cái gì đó mới.
Mặt khác, blockchain cởi mở hơn, có thể tiếp cận nguồn vốn cá nhân. Hiện nay, có nhiều người có tài chính khó để trở thành người đầu tư bởi phải tham gia vào các quỹ. Blockchain phẳng hơn, với nhiều ý tưởng mới được giới thiệu hàng ngày. Nhà đầu tư tiếp cận với dự án dễ dàng hơn. Rủi ro là mỗi người phải tìm hiểu kỹ dự án có đáng bỏ vốn vào hay không trước khi xuống tiền.
Nói về thời điểm khó khăn nhất của dự án, khi sử dụng blockchain là “quân Át chủ bài”, Nguyễn Thành Trung cho biết cuối năm 2018, khi số vốn dự án cũng dần cạn kiệt, đây là thời khắc có nhiều biến động nhất. Nếu không tìm được nguồn tài trợ mới, mọi thứ có thể sẽ phải thay đổi.
Bên cạnh đó, việc gọi vốn cũng khó hơn vị thị trường tiền ảo, tiền mã hóa lao dốc, hoạt động không ổn định, niềm tin vào tiền mã hóa, blockchain bị lung lay rất nhiều.
Tuy nhiên, Trung cũng cho biết nhiều người vẫn cho rằng Axie Infinity hay Sky Mavis là một công ty game, thực ra anh và các đồng nghiệp còn phát triển rất nhiều thứ khác. Lượng công việc ngoài game chiếm đến 2/3 tổng khối lượng công việc, do đó, cần linh động giữa các nguồn tài chính.
Trung chia sẻ thêm: “Tôi mới 29 tuổi, những điều tôi sẽ còn làm cho Axie, cho Sky Mavis còn nhiều lắm. Nếu nói tôi đã có sự nghiệp rạng rỡ thì chưa đúng và nói thành công thì càng không, bởi tôi và các bạn của tôi mới chỉ bắt đầu đi trên con đường của mình mà thôi. Thông tin thị trường hiện tại là một tín hiệu tốt, nhưng con đường còn rất dài”.