Vườn đào thất thốn của gia đình ông Lê Hàm (56 tuổi, trú tại cụm 3 phường Nhật Tân), người đang trồng hơn 100 gốc đào thất thốn. Ông Hàm cho hay, thời tiết rét như hiện nay sẽ rất thuận lợi cho người trồng đào.
Theo Dân trí, đào thất thốn đặc biệt quý bởi vẻ đẹp khác biệt và đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ. Để giữ vườn đào cho kết quả đúng dịp Tết Nguyên đán, chủ vườn Lê Hàm cho làm cả hệ thống nhà vườn khép kín, mắc điều hòa giữ nhiệt cho cây.
Vườn đào của ông Lê Hàm là một trong số vài hộ còn trồng đào thất thốn ở đất đào Nhật Tân nổi tiếng Hà Nội. Để giữ cây trước sự biến đổi thất thường của thời tiết dịp gần Tết, ông dựng hệ thống nhà tôn khép kín phục vụ riêng những cây đào.
Ngoài hệ thống nhà tôn khép kín, ông Hàm còn mắc điều hòa để điều tiết nhiệt độ. Do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, ngay từ khoảng tháng 10 Âm lịch, ông Hàm đã dùng điều hòa hai chiều để căn chỉnh nhiệt độ phù hợp với cây.
Để đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán, ông Hàm phải bỏ ra rất nhiều công sức. Khác với các loại đào khác, đào thất thốn đòi hỏi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh.
"Thời tiết lạnh sẽ giúp hoa đào thắm hơn, nụ to hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì thời điểm quan trọng nhất là vào 15 ngày cuối tháng 12 Âm lịch, khi đó tùy thuộc vào sự phát triển cây đào, người trồng sẽ phải có cách chăm sóc thích hợp", ông Hàm chia sẻ với VTC News.
Khác với các loại đào khác, đào thất thốn đòi hỏi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh khiến người trồng phải bỏ nhiều công sức chăm sóc. Để có được một cây đào thất thốn đẹp đến tay người chơi, ông Hàm cho biết phải mất thời gian chăm sóc từ 10-30 năm.
Bên cạnh đó, loại đào này có ưu điểm là tươi sắc và độ bền của hoa lâu hơn nên được nhiều người yêu thích và lựa chọn.
"Cây đào càng lâu năm thì hoa càng thắm, vỏ của cây sẽ sần sùi. Nếu thời tiết đẹp, hoa nở đúng thời điểm thì 1 đốt ngón tay sẽ có 7 bông hoa đào. Đặc biệt hoa sẽ mọc và nở ở giữa gốc hoặc thân cây” , ông Lê Hàm, chủ vườn đào thất thốn cho hay.
Tính đến nay, ông Hàm đã gắn bó với nghề trồng đào được 28 năm. Được nhiều nhiều mà mất cũng không ít. “Năm ngoái, có một cây đào thất thốn được nhiều người đánh giá là có một không hai. Thế nhưng tôi không bán, một thời gian sau thì cây chết. Làm đào “năm ăn năm thua” là thường”, ông Hàm chia sẻ.
Vì cây còn đang ở trong nhà tôn nên khách đến vào thời điểm này phải bắc thang ngắm và chọn cây từ bên ngoài. Đào thất thốn quý nên có giá rất cao, từ vài triệu tới vài chục triệu đồng tuỳ độ đẹp.
Phong Linh (tổng hợp)