Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã nhiều lần khẳng định đất nước ông không muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì những lý do hợp lý và rõ ràng, đồng thời sẽ giữ vững lập trường trung lập về quân sự.
Phát biểu trong một buổi duyệt binh tại căn cứ không quân Batajnica hôm 31/3, vị chính trị gia nổi tiếng nhất Serbia một lần nữa cho biết việc quốc gia vùng Balkan này lựa chọn đứng ngoài NATO có nghĩa là họ cần tăng cường khả năng phòng thủ.
“Chúng ta đã đặt hàng thêm vài chục hệ thống tên lửa phóng loạt, điều này sẽ tăng cường đáng kể hỏa lực của chúng ta. Nhưng tất cả những điều này là chưa đủ, bởi vì chúng ta phải tính đến vị trí đặc biệt của đất nước mình – quốc gia duy nhất trung lập về quân sự ở khu vực này của thế giới. Chúng ta phải hiểu những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt”, ông Vucic nói.
Theo nhà lãnh đạo Serbia, quân đội của ông sẽ được tăng cường đáng kể với những máy bay chiến đấu mới và trọng tâm là ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia. Ông cho biết, Serbia có thể đứng ngang hàng với các nước như Pháp và Đức khi nói đến sản xuất vũ khí.
Tổng thống Vucic cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng Serbia cần tăng cường chú ý đến việc sản xuất máy bay không người lái (UAV) và các loại máy bay khác được thiết kế cho các hoạt động tấn công và hỗ trợ những người bị thương trong các khu vực xung đột.
“Sau 20 ngày kể từ bây giờ, các vị sẽ có thể xem buổi tập bắn đạn thật đầu tiên và việc sử dụng máy bay không người lái của Serbia. Đây sẽ là buổi tập bắn chính thức đầu tiên, thay vì huấn luyện trong quân đội Serbia”, ông Vucic nói.
Ông Vucic trước đó tuyên bố rằng các nước phương Tây ngăn cản Serbia mua vũ khí, đạn dược ở phương Đông. Ông cũng cho biết, Serbia đã đặt mua hệ thống tác chiến điện tử Krasukha và Repellent từ Nga nhưng chưa thể nhận được hàng vì những lý do không phải lỗi của Moscow.
Ở vùng Balkan, chỉ có Serbia, Kosovo, Bosnia và Herzegovina chưa gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương do Mỹ dẫn dắt. Năm 1999, NATO đã thực hiện chiến dịch quân sự chống lại Nam Tư, khi đó chỉ còn gồm Serbia và Montenegro. Năm 2008, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của Serbia.
Minh Đức (Theo TASS, Al Jazeera)