Tại các lễ hội và chùa chiền lớn như hội Lim, hội Gióng, chùa Thầy, chùa Tây Thiên, chùa Hương, chợ Viềng, đền Kiếp Bạc, đền Trần (ở miền Bắc)..., theo quan sát của chúng tôi, nạn cờ bạc bịp núp dưới danh các trò chơi có thưởng xuất hiện rất nhiều.
Đi chùa bị... vét sạch túi
Cách đây mấy ngày, trong chuyến hành hương đầu năm về Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), chúng tôi có dịp mục sở thị nhiều trò chơi biến tướng theo kiểu lừa đảo: Nhìn thì rất dễ nhưng không hoặc rất ít khi người chơi có thể trúng thưởng. Thế nhưng, nhiều người rất muốn tìm vận may ở những "sới bạc trá hình" này, khiến các sới bạc vẫn nở rộ ở chốn linh thiêng.
Trò chơi "Thả vòng may mắn" ở chùa Tây Thiên
Trên đường lên núi Tây Thiên, rất nhiều đám đông túm tụm, tham gia các trò chơi có thưởng, gây náo nhiệt cả đoạn đường dài. Chúng tôi thấy rất nhiều nam thanh nữ tú đang say mê bên trò "tôm, cua, cá". Thực tế, đây là một trò bài bạc bịp với những quân xúc xắc có mặt hình các con vật cùng một mảnh giấy chia thành sáu ô in hình những con vật đó. Người chơi sẽ đặt tiền vào ô mình nghĩ là con xúc xắc sẽ "về".
Trò chơi nhìn có vẻ đơn giản, nhưng người chơi rất ham mê. Những đồng tiền mừng tuổi mới coóng lần lượt được xòe ra trên chiếu bạc. Ai cũng cầm trong tay cả tệp tiền, với mệnh giá thấp nhất là 10.000 đồng, cao nhất lên tới 500.000 đồng. Quá ngột ngạt vì sự đông đúc, tôi tìm đường đi tiếp lên núi. Một cảnh tượng thật đáng buồn hiện ra trước mắt: Cứ cách khoảng 3m là có một "sới bạc". Và có nhiều hình thức đánh bạc ngang nhiên cạnh tranh nhau ở nơi linh thiêng này.
Một cậu bé vẻ mặt thất thần nói chuyện với tôi: "Em tên là Trần Ngọc An, quê ở huyên Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đang học lớp 9. Nhân ngày tết, bạn bè em rủ lên chùa chơi. Nhìn mấy người chơi trò "Thả vòng may mắn" rất dễ trúng nên em và các bạn cũng thử vận may. Ai ngờ, thử mãi, chưa lần nào thả được vòng vào đúng vị trí cả. Mỗi lần chơi mất 10.000 đồng, cả nhóm chúng em chơi hết gần 500.000 đồng rồi mà vẫn về tay không...".
Một thanh niên tên Hùng, quê ở Phú Thọ đứng gần đó liền góp chuyện rằng, năm ngoái anh ta cũng mất 1 triệu đồng, vì mấy trò chơi kiểu này. Ban đầu chơi trúng một ít, sau đó cứ ham dần, nhưng càng chơi càng thua, cuối cùng anh phải "vét" sạch số tiền mang đi, sau đó, phải dùng tiền mừng tuổi của con gái để mua vé xe buýt về. Năm nay, vì biết chất của những trò này nên anh không dám chơi. Anh Hùng cho biết thêm, người thắng được nhiều, lúc đầu ấy chính là "cò" mà bọn chúng đưa ra để nhử người chơi. Và, dụng cụ của chúng đều "thửa" sẵn rồi nên kiểu gì người chơi cũng mắc bẫy.
Tại khu du lịch chùa Bái Đính (Ninh Bình), trò "chiếc nón kỳ diệu", "du lịch ba miền" bằng bánh xe với một mũi tên chỉ vào đâu ăn đấy cũng được nhiều người quan tâm. Nếu một lần quay không trúng, người chơi sẽ phải trả 15.000 - 20.000 đồng. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, người chơi sẽ thấy, chủ trò muốn mũi tên chỉ vào đâu chỉ nghiêng cái dép kê chân bàn là mũi tên chỉ đúng vị trí. Vậy là chỉ có ô không tiền hoặc ô của "cò mồi" là thắng, khách lơ ngơ sẽ mất tiền triệu với những mánh khóe của trò chơi này.
Đặc biệt nhất là trò "đổi bài", chỉ có hai cây bài đổi đi đổi lại trước mắt người chơi, chọn một cây đúng được tiền gấp đôi. Vậy mà người chơi toàn thua. Mỗi nhóm đi thường có 3 người. Một người tráo bài, hai người làm nhiệm vụ "cò mồi". Các con bài được tráo liên tục. Ai chọn sai, người bày bài bắt người chọn giữ nguyên cây bài và bắt xuống tiền, dĩ nhiên người chơi phải thua. Ai chọn đúng cây bài, lấy nhiều lý do, chậm xuống tiền, không giữ cây bài, người tráo bài lại bỏ cây, tráo lại. Thấy một người đoán đúng cây bài, người bạn đi cạnh tôi tự tay lật lên và yêu cầu trả tiền, thì một thanh niên có khuôn mặt "bặm trợn" ra bảo chúng tôi: "Hai người đi chỗ khác dùm tôi cái, đây là chỗ bọn tôi kiếm ăn, đừng để tôi phải "xử lý"”...
Nhiều người mất tiền vì trò "Ném phi tiêu"
Xây được biệt thự nhờ... cờ bạc bịp
Tâm lý của một số người đi lễ chùa là thường thử vận may đầu năm. Vì thế, để lột sạch túi những người có máu cờ bạc, những tay "bạc bịp" bày ra đủ trò. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những điểm cờ bạc này luôn có những đám "cò mồi" để "hút" khách. "Cò" thường đóng vai khách vào chơi và đặt tiền từ ít đến nhiều để nhử "con mồi" và chúng chơi lúc nào cũng trúng. Nhiều người không biết, khi thấy một số người liên tục trúng đậm đến tiền triệu nên hám lợi đặt theo. Ban đầu, phần thắng thường nghiêng về khách chơi. Không ít du khách tưởng "ngon ăn" nên bị cuốn theo đến… nhẵn ví.
Ngoài lượng "túc trực" ở quầy trò chơi, mỗi nhóm "cờ bạc bịp" còn cử cò mồi theo chân du khách để gạ gẫm chơi trò của mình. Nhiều người cho biết, các nhóm tổ chức cờ bạc này chỉ kiếm ăn vào mùa lễ hội, khoảng tháng 11 - 12 âm lịch và từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch, nhưng cũng sống đủ cả năm, có người còn xây được cả biệt thự, mua xe ôtô đắt tiền... Không những thế, họ còn thuê những người có "máu mặt", có hơi hướng "xã hội đen" để "xử đẹp" những người muốn "quyết tử" để lấy lại số tiền bị lừa trong nháy mắt…
Ngoài ra, những tay tổ chức cờ bạc này luôn "đoàn kết" với nhau để che mắt các cơ quan chức năng. Khi thấy bóng dáng của lực lượng tuần tra, họ "phím" cho nhau để cùng thu trò chơi lại, giả làm khách đi lễ hội như thường. Đó là lực lượng bảo kê vòng trong, còn vòng ngoài thường là những người làm nghề xe ôm được nhóm này "trưng dụng" nhiều nhất.
Tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), các trò chơi quay xổ số, ném phi tiêu và nhiều trò "vui chơi có thưởng"... diễn ra không kém phần... long trọng. Mánh mẹo cờ bạc tuy không mới và ai cũng biết "cờ bạc là bác thằng bần", nhưng nhiều người vẫn bị cuốn vào các trò chơi vô bổ để rồi khóc dở, mếu dở. Số tiền thua bạc có thể từ vài chục ngàn, cũng có thể tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng chục triệu đồng.
Bác Lê Nam (60 tuổi ở phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội) cho biết: "Đầu năm nay, tôi đã hành hương đi lễ ở một số nơi như Bái Đính, Tây Thiên, đền Trần... và thấy rằng, những trò "cờ bạc bịp" vẫn diễn ra, có phần sôi nổi hơn mọi năm. Có nơi, dụng cụ đánh bạc chỉ là một tấm vải ni lông, một bát, một đĩa và 3 miếng bìa nhỏ. Xung quanh mỗi tấm vải nilon được trải ra là cả chục người vây quanh. Khi ba tấm bìa được cho vào đĩa xóc cũng là lúc tiền của những người chơi được ném xuống. Mặc dù tiền cho những lần chơi chỉ 5 - 10.000 đồng nhưng càng chơi càng say nên nhiều người cay cú và số tiền thua bạc lên tới cả chục triệu đồng. Mang nặng tính sát phạt nên nhiều sới bạc đã xảy ra cảnh xô xát, đánh, chửi nhau, gây mất an ninh trật tự chốn linh thiêng...".
Nhiều người cho biết, khả năng bị thua trong các trò đỏ đen là rất lớn nhưng vì tò mò, ham chơi, vì muốn thử vận may và bị người khác lôi kéo, đưa đẩy, nên số người chạy theo cờ bạc, đỏ đen ở chốn linh thiêng rất nhiều. Có người bị "lột" hết tiền, nhưng máu đỏ đen vẫn hăng, liền đi "cầm" xe máy, điện thoại để chơi tiếp và bị thua hết. Cay cú, người chơi định hành hung với nhóm đỏ đen thì bị đánh đến sưng mày, tím mặt... Và khi có lực lượng chức năng đến giải quyết, họ chuyển địa điểm "hành nghề" ở chỗ khác...
Từ trước đến nay, chùa chiền là chốn linh thiêng, là nơi mọi người tĩnh tâm để tìm đến những điều thiện, điều lành. Hiện tượng những trò chơi mang tính chất cờ bạc bịp diễn ra tại đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến chốn tôn nghiêm ấy.
Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật Ông Trần Ngọc Quý (Trưởng công an xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình, thành viên ban An ninh chùa Bái Đính) cho biết: "Ngay từ trước Tết âm lịch Quý Tỵ, chúng tôi đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm công an huyện, phòng lao động - thương binh và xã hội huyện để kiểm tra an ninh tại chùa Bái Đính, tránh tình trạng ăn xin, trò chơi "cờ bạc bịp" hoành hành. Tuy nhiên, do lượng du khách về lễ chùa đông nên nhiều nhóm vẫn trà trộn vào để "hành nghề". Những trường hợp bị nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật". |
Lạc Thành