Lo lắng công việc bị máy móc thay thế
Câu chuyện về việc chọn ngành, chọn trường luôn là mối bận tâm của hầu hết các thí sinh vào mỗi mùa tuyển sinh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Khi phần lớn các phụ huynh hiện có xu hướng để con mình tự lựa chọn nghề nghiệp tương lai vì không muốn ép buộc con cái thì nhiều bạn trẻ vẫn chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc chọn lựa ngành nghề.
Với nhiều luồng thông tin trên mạng xã hội, nhiều bạn chưa tìm hiểu về ngành nghề đã vội đăng ký vì nghe "Google tư vấn"; chọn ngành nghề vì bạn bè rủ rê, "chạy nước rút" nên chọn bừa, theo thị hiếu chọn ngành dễ xin việc làm, lương cao.
Sinh viên Lê Hữu Trí, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bối rối khi nghe nhiều người bảo học marketing dễ tìm việc nên đăng ký đại. Vào học rồi thì thấy không hợp nhưng vẫn cố gắng. Gặp đợt dịch phải học online càng chán, Trí không tiếp thu được bài. Kỳ vừa rồi, điểm trung bình hệ 4 của sinh viên này chỉ có 2,80 nên muốn đổi ngành khác phù hợp hơn.
Chị Đoàn Thùy Dương, ngụ quận Tân Bình, Tp.HCM có con gái đang học lớp 12 nên băn khoăn khi con hỏi muốn theo ngành thiết kế đồ họa, thế nhưng hiện nay AI đã có thể vẽ được các nét vẽ rất đẹp, như vậy liệu ngành học này có bị ảnh hưởng, thay thế…
“Nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo rằng AI sẽ khiến một số ngành nghề biến mất để tạo ra những ngành nghề mới. Như vậy, các ngành nghề mang tính truyền thống như sư phạm, tài chính, kinh tế, ngân hàng sẽ bị tác động thế nào. Nếu con em mình chọn những ngành nghề này thì sau vài năm nữa ra trường có còn phù hợp", chị Dương lo lắng.
Sự chuyển đổi cần có thời gian
Theo các chuyên gia tư vấn, những lo lắng này của phụ huynh, học sinh là có cơ sở. Sự bùng nổ mạnh mẽ của AI sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, sẽ làm mất đi một số ngành nghề và tạo ra thêm nhiều ngành nghề mới, song lại mở ra cơ hội mới cho người học. Hơn nữa, để một ngành nghề biến mất thì cần có thời gian, không phải một sớm một chiều.
Đánh giá về điều này, TS.Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Tp.HCM cho hay, việc AI tác động đến các ngành nghề đã được nhìn thấy và được dự báo từ rất lâu chứ không phải gần đây, khi ChatGPT xuất hiện. Các ngành nghề lao động giản đơn với thao tác đơn giản hoàn toàn có thể bị AI thay thế. Thế nhưng, để một ngành nghề mất đi thì không phải một sớm một chiều và đột ngột, mà cần có quá trình.
“Bộ GD&ĐT ban hành danh mục các ngành đào tạo tại các trường đại học năm 2017, đến 5 năm sau (năm 2022), Bộ mới ban hành bổ sung thêm một số ngành mới, như ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, logistic và quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế số… Một mặt nào đó, cần khẳng định rằng các ngành nghề không thể biến mất nhanh chóng được. Quá trình chuyển đổi của mỗi ngành nghề sẽ dài hơn. Như vậy, trong vòng 4-5 năm tới, các ngành nghề mà các trường đại học đang đào tạo sẽ không thay đổi nhiều”, ông Nghĩa khẳng định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay các ngành nghề đang được các trường đại học đào tạo (bao gồm cả các ngành mang tính truyền thống như sư phạm, kỹ sư…) vẫn đảm bảo theo nhu cầu thị trường lao động. AI không thể thay thế con người hoàn toàn mà chỉ giải quyết các vấn đề do con người đặt hàng.
“Điều mà phụ huynh, học sinh cần quan tâm trong quá trình lựa chọn ngành nghề đó là nhìn trước về cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn. Dù AI có tác động đến ngành học thì chắc chắn cũng không thay thế được con người. Do đó, điều quan trọng là trong quá trình học người học có định hướng phù hợp”, TS.Nguyễn Đức Nghĩa chỉ ra.
Đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Tp.HCM cũng cho rằng, cùng với sự phát triển và ngày càng phổ biến của trí tuệ nhân tạo, sẽ có những ngành nghề dần biến mất và đồng thời nhiều công việc mới sẽ ra đời. Những công việc yêu cầu độ chính xác cao, thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn, có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa... sẽ là những ngành nghề có nhiều khả năng biến mất.
Hiện nay, một số ngành nghề truyền thống như: thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, làm nghề nông, thư ký, đánh máy và nhập dữ liệu... đang có dấu hiệu đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất, kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, việc mất hẳn một số nghề này còn phải mất một thời gian khá dài nữa.
“Trong tương lai, đòi hỏi một nguồn nhân lực trình độ cao, tương tác được với robot trong quá trình làm việc, đảm nhận những việc robot không làm được. Chẳng hạn, trong công việc thiết kế, robot có thể làm phần thiết kế chung, nhưng không thể làm được phần sáng tạo. Như vậy, thị trường lao động cần tăng nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thành công trong thị trường lao động đòi hỏi các em biết chọn ngành học và hệ đào tạo phù hợp để xây dựng được giá trị, kỹ năng, năng lực làm việc, đặc biệt là tư duy sáng tạo không ngừng”, ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn cũng nhận định, học sinh thế hệ gen Z (năm sinh từ 1997 – 2012) hiện nay hết sức thông minh, được cưng chiều, rất tự tin nhưng lại chịu áp lực kém, thiếu kiên trì. Đặc biệt trong xã hội rộng mở hiện nay, mức độ di chuyển nghề nghiệp của các em rất nhiều.
“Trong thời kỳ kỷ nguyên số đặc biệt cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Các em phải chọn lựa nghề nghiệp phù hợp, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chịu áp lực công việc, rèn luyện ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp. Đặc biệt, yêu cầu về công nghệ thông tin và ngoại ngữ là hết sức cần thiết”, chuyên gia đưa ra lời khuyên.