Tp.HCM phải tập trung nguồn lực, sức lực
Thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia sáng 6/1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Chính phủ chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của Luật quy hoạch.
Nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch nước phân tích, tầm nhìn của quy hoạch đặt ra rất dài với 30 năm, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu… Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhìn nhận chung về dự thảo quy hoạch, Chủ tịch nước ví von: “Dù còn mặt này mặt khác, nhưng coi như xương sống, xương sườn đã có, bây giờ Chính phủ cần ban hành nghị định để hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện”
Báo cáo Quy hoạch đề xuất 2 kịch bản phát triển. Thứ nhất, kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,26%/năm giai đoạn 2021-2025, 6,34%/năm giai đoạn 2026-2030, 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,49%/năm giai đoạn 2031-2050.
Thứ 2, kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,63%/năm giai đoạn 2021-2025, 7,48%/năm giai đoạn 2026-2030, 7,05%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm trong giai đoạn 2031-2050.
Theo đó, kịch bản thứ nhất được coi là kịch bản thận trọng, trong khi kịch bản thứ 2 đòi hỏi phải phấn đấu cao hơn.
Với 2 kịch bản này, Chủ tịch nước cho rằng, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao, với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Quan tâm đến các hành lang kinh tế được thiết kế trong quy hoạch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Việt Nam đang ở trong khu vực ASEAN phát triển rất năng động. Bên cạnh các hành lang kinh tế đã nêu trong Quy hoạch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị quan tâm, bổ sung đến kết nối kinh tế với các nước Thái Lan - Lào - Myanmar…
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, phải tìm kiếm thị trường mới để mở ra không gian phát triển. Ngoài ra, chúng ta phải có những hành lang mới, đậm nét hơn, trong đó có hành lang kinh tế Đông - Tây. Với các nước trong khu vực như Campuchia, kết nối với Mộc Bài (Tây Ninh), Tp.HCM hay Myanmar - Lào - Thái Lan - Việt Nam ra tới Biển Đông.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tp.HCM tập trung nguồn lực, sức lực, trí tuệ để xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Phát triển đô thị trong trung tâm và hệ thống đô thị phát triển bền vững là những xu hướng của thế giới.
Điều này cũng phù hợp với với Nghị quyết của Đảng về vấn đề phát triển đô thị, trong đó có những đô thị lõi, đô thị trung tâm như Tp.HCM, Hà Nội. Cần đặt vấn đề công nghiệp chế tạo ở Tp.HCM như một định hướng chiến lược phát triển, vì giá trị gia tăng rất lớn và phù hợp với xu hướng của thời đại.
Vẽ quy hoạch phải dự vào bối cảnh nguồn lực
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn Tp.HCM) cho rằng, đây là quy hoạch quan trọng mang tầm quốc gia, nên cần thảo luận kỹ, ghi nhận đóng góp ý kiến của cử tri và chuyên gia trong mọi lĩnh vực, để có quy hoạch chín chắn, đầy đủ và thấu đáo hơn.
Theo đó, ông Đức cho rằng cần xác định nền tảng Việt Nam phát triển kinh tế mũi nhọn là gì? Nếu xác định phát triển Việt Nam là đất nước nông nghiệp thì sản xuất cây trồng, trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, đóng góp cho GDP là bao nhiêu để gắn với phát triển vùng miền, để từ đó đầu tư cơ sở hạ tầng, con người và thiết bị máy móc.
Hay với lợi thế của đất nước ta có tiềm năng về biển, tỉnh nào cũng có biển và phát triển du lịch, theo đó, cần phải đánh giá kỹ về ngành kinh tế dịch vụ đóng góp GDP thế nào? Việc quy hoạch và xây dựng vùng liên kết ra sao, để xác định cho đầu tư về hạ tầng, con người…
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn Tp.HCM) cho rằng, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước. Song yêu cầu đặt ra là cần có cơ chế để có hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại trên cơ sở có cơ chế chính sách tư nhân tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là thành phố có công nghiệp.
Khảo sát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Nhà nước quản lý cho thấy không hiện đại, nếu như vậy thì không đáp ứng được yêu cầu. Nhà nước cũng không đủ tiền để hiện đại hóa các trung tâm này.
"Các thiết bị cũ lắm rồi, trong khi một số trường cao đẳng nghề của tư nhân họ có đầu tư, đảm bảo 100% các cháu ra trường được tuyển dụng liền, máy móc hiện đại. Cần có quan điểm rõ hơn để có đội ngũ công nhân lao động lành nghề”, bà Tuyết nêu quan điểm.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM), vẫn còn nhiều lúng túng khi Dự thảo chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, thế nào là hành lang tăng trưởng.
Đưa ra dẫn chứng với lĩnh vực công nghiệp, ông Ngân cho rằng, quy hoạch hiện được xây dựng cũng chưa hình dung được sẽ ưu tiên ngành công nghiệp nào? Bởi có rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chế biến chế tạo, công nghiệp nền tảng, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, dệt may, cơ khí luyện kim, công nghiệp xanh được đưa ra nhưng lại không rõ trình tự ưu tiên cụ thể.
Chỉ rõ tình trạng quy hoạch “treo” là vấn đề đang đặt ra. Từ đó, ông Ngân cho rằng, xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch, cần đảm bảo quyền lợi người dân trong việc thực hiện quy hoạch.
“Đang là quy hoạch và ý tưởng, mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ bị vướng quyền lợi, nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ dính quy hoạch gì đây, nên khi thực hiện phải thông báo cho người dân”, ông Ngân nói.
Ông Ngân cũng cho rằng, để thực hiện quy hoạch thì cần đảm bảo tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch. Mặc dù chung ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam. “Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn”, ông Ngân nói.