Sen hồng bị hớ?
Đề án Quốc hoa sau nhiều cuộc hội thảo, trưng cầu ý kiến, bình chọn... tuy chỉ tốn 35, 36 triệu của Nhà nước (theo bà Đoàn Thị Thu Hương, phó cục trưởng cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, bộ VH-TT&DL, đơn vị chủ trì đề án) nhưng lại tốn không biết bao giấy mực của truyền thông và tâm sức của nhân dân. Cuối cùng, sen hồng giành ngôi vương với chiến thắng áp đảo hơn 70% phiếu bình chọn ở cả ba miền.
Tuy vẫn vấp phải một vài ý kiến phản đối về việc chọn một loài hoa sẽ mất đi sự đa dạng của các vùng miền nhưng sen hồng vẫn thắng, theo ý của số đông. Kết quả đã có nhưng vương miện vẫn chưa được trao. Hơn một năm sau cuộc bầu chọn, sen hồng vẫn chưa được chính thức công nhận. Lý do mà bộ VH-TT&DL đưa ra là Bộ đã thực hiện đề án Quốc hoa, xin ý kiến các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến người dân, sau khi tổng hợp các ý kiến, Bộ báo cáo Chính phủ, dự kiến hoa sen là Quốc hoa nhưng không có cơ quan nào phê duyệt được.
"Vì vậy Chính phủ yêu cầu, đề án Quốc hoa là đề án tốt, trên danh nghĩa ai cũng thừa nhận rồi nhưng chưa có luật nên không phê duyệt được. Chính phủ yêu cầu bộ VH-TT&DL chọn hình thức để dân tự suy tôn Quốc hoa bằng cách các cơ quan Nhà nước đưa dần hoa sen vào làm biểu tượng", thứ trưởng bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn giải thích.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, để khắc phục, trong đợt sửa đổi Hiến pháp lần này, bộ VH-TT&DL đã đóng góp ý kiến, đưa quyền hạn Chủ tịch nước quyết định công nhận những biểu tượng văn hóa quốc gia. Như vậy, nếu Quốc hoa, Quốc tửu, Lễ phục... là biểu tượng văn hóa quốc gia sẽ do Chủ tịch nước phê duyệt. Do vậy, thời gian vừa qua, bộ VH-TT&DL có nhiều văn bản gửi các tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị phối hợp tuyên truyền để người dân công nhận hoa sen là Quốc hoa.
Các lãnh đạo APEC trong trang phục áo dài lụa tại kỳ hội nghị ở Việt Nam năm 2006.
Vậy là sen hồng vẫn tiếp tục được tôn vinh một cách âm thầm, như trước cuộc bầu chọn. Và, sen hồng sẽ "sống" trong chờ đợi sửa đổi Hiến pháp để có một văn bản chính thức, mong được bằng bạn bằng bè (như sen trắng ở Ấn Độ và sen vàng ở Sri Lanka).
Quốc phục có đi theo vết "hoa" đổ?
"Dục tốc bất đạt" Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng khẳng định việc đáp ứng được yêu cầu về một bộ lễ phục là rất khó, bản thân GS. Thịnh cũng chưa nghĩ ra một mẫu nào phù hợp. Ông cho rằng Quốc phục là một chuyện không thể vội vàng, nếu chưa có thì cũng nhất thiết buộc phải có trong một thời gian nhất định. "Chúng ta đã tìm quốc phục suốt 20 năm nay mà vẫn chưa có, không có lý gì mà cứ buộc phải có trong năm nay cả", ông nói. |
Quốc hoa đã được chọn xong, lộ trình tiếp theo là Quốc phục. Đầu tháng 8, bộ VH-TT&DL đã chính thức phát động cuộc thi "Tuyển chọn thiết kế Lễ phục Nhà nước" tại Hà Nội.
Sau sự cố xảy ra với Quốc hoa, GS. Hà Đình Đức, một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ: "Quốc hoa, Quốc phục là biểu trưng cho một đất nước. Mỗi khi nhắc đến loài hoa ấy hoặc mặc bộ y phục ấy thì cộng đồng quốc tế nhận biết ngay ra đất nước đó. Ví dụ Quốc hoa: Hà Lan là hoa tulip, Nhật Bản là hoa anh đào, Malaysia là hoa dâm bụt, Lào là hoa đại, Bungari là hoa hồng... Việt Nam đã từng đưa ra lấy ý kiến của các cơ quan văn hóa và người dân về hoa sen hồng là Quốc hoa đã có sự đồng thuận cao. Nhiều nước có quốc phục là y phục truyền thống đặc trưng của đất nước đó mà không nhầm lẫn với các quốc gia nào khác. Theo tôi nghĩ, Chính phủ giao quyền phê duyệt cho bộ VH-TT&DL là đúng chức năng, sau đó đưa ra Quốc hội thông qua".
GS. Hà Đình Đức cho biết, trước đây bộ y phục nhận bằng tốt nghiệp của các trường đại học cũng đã không ít ý kiến phản đối cho rằng cổ hủ, ăn mặc kiểu "âm lịch", nhưng đến nay bộ y phục này đều xuất hiện ở những lễ trao bằng tốt nghiệp hầu hết các trường đại học, trung học, trao bằng tiến sĩ và kể cả bằng tiến sĩ danh dự cho cả chính khách nước ngoài mỗi khi nhận bằng đều mặc bộ y phục này.
GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Văn hóa, thành viên ban cố vấn của Hội đồng nghệ thuật chấm chọn mẫu Lễ phục Nhà nước trao đổi với PV: "Đã gọi là lễ phục thì đó là trang phục được sử dụng trong những dịp lễ, những dịp trọng đại của mỗi người. Ví dụ như trong các buổi mít-tinh, người ta mời anh đến và yêu cầu anh ăn mặc theo lễ phục, hoặc đi dự đám cưới hay đám tang, người ta cũng mặc lễ phục. Lễ phục có thể mặc theo mùa, mùa hè thì mặc quần âu và áo sơ mi, mùa đông mặc áo vest. Lễ phục có thể dùng trong phạm vi các dịp lễ của gia đình, cộng đồng hay quốc gia. Cần phải hiểu rõ các khái niệm về trang phục. Trước đây, ta có khái niệm triều phục, đây là hình thức ăn mặc thời phong kiến để lên yết kiến vua. Còn quốc phục lại có tính chất khác, đây là trang phục thể hiện tính dân tộc với bạn bè bên ngoài. Đây là trang phục khi các vị lãnh đạo đứng đầu Nhà nước mặc khi tiếp khách hoặc đi nước ngoài".
Trao đổi về cuộc thi mới phát động, GS. Thịnh cho biết, cuộc thi "Tuyển chọn thiết kế Lễ phục Nhà nước" chính là tìm kiếm Quốc phục. Quốc phục và Lễ phục không phải là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Vì Quốc phục cũng là một loại Lễ phục nhưng Lễ phục chưa chắc đã là Quốc phục. Nhắc đến Quốc phục là phải thể hiện được bản sắc và truyền thống của đất nước.
GS. Thịnh khẳng định, nếu có được một bộ Quốc phục thì sẽ có những quy định kèm theo để yêu cầu những dịp nào cần phải mặc. Tuy nhiên cũng không nên cứng nhắc theo kiểu đã có quốc phục rồi thì cứ đi nước ngoài là phải mặc. Ông cho rằng việc sử dụng Quốc phục cũng phải linh động và lấy ví dụ về Tổng thống Myanma Thein Sein, khi tiếp khách đến đất nước của mình vị Tổng thống vẫn mặc trang phục truyền thống, nhưng khi đi nước ngoài, ông ấy vẫn mặc complet.
Quốc phục nên có mấy bộ?
Theo tìm hiểu của GS. Hà Đình Đức, nhiều nước trên thế giới có Lễ phục, Quốc phục như: Hanbok là trang phục truyền thống của Hàn Quốc, và ở Triều Tiên gọi là Choson-ot. Saree của Ấn Độ là bộ Quốc phục nổi tiếng vì sự nguyên vẹn của nó qua nhiều thế kỷ. Nhật Bản là Kimono, loại trang phục truyền thống được mặc cho cả nam, nữ và trẻ con.
Đối với nước ta, trong cuộc thi đang phát động, đề bài đặt ra đối với người tham dự là thiết kế bốn mẫu Lễ phục gồm: Mẫu lễ phục của nam theo hướng hiện đại, mẫu lễ phục của nữ theo hướng hiện đại, mẫu lễ phục của nam theo hướng truyền thống và mẫu lễ phục của nữ theo hướng truyền thống. Đề bài này nhận được sự đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, trong đó có nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành viên ban cố vấn của Hội đồng nghệ thuật chấm chọn mẫu lễ phục Nhà nước.
Ông Quốc bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, lễ phục nên được thiết kế theo cả hai xu hướng hiện đại và truyền thống, để thuận tiện sử dụng trong những trường hợp khác nhau. Ví dụ, trong những nghi lễ truyền thống như Giỗ tổ Hùng Vương hay trình quốc thư, các vị lãnh đạo sẽ mặc trang phục mang tính chất truyền thống. Còn trong những dịp lễ trọng khác như đón tiếp các chính khách, tham dự các hội nghị quốc tế... việc sử dụng trang phục hiện đại sẽ phù hợp hơn".
Đem câu hỏi tại sao Quốc phục cần phải là một mẫu thiết kế mới, GS. Thịnh, thành viên ban cố vấn trả lời: "Quốc phục phải là một mẫu thiết kế mới vì cần đáp ứng vừa truyền thống, vừa hiện đại. Và, điều quan trọng là khi mặc lên phải đẹp thì ta mới có thể tự hào. Nói truyền thống và hiện đại thì dễ nhưng để có một trang phục như thế thì rất khó, đó phải là việc của các nhà thiết kế. Yêu cầu của Quốc phục là phải có bản sắc dân tộc nhưng còn phải tiện dụng nếu không lại khiến chúng ta lạc lõng với bạn bè xung quanh".
Là thành viên của ban cố vấn nhưng GS. Thịnh lại không đồng ý với đề bài của ban tổ chức, ông chia sẻ thẳng thắn: "Đã là Quốc phục thì chỉ có một. Nhưng tùy theo mùa mà ta may những chất liệu khác nhau cho phù hợp. Chứ Quốc phục mà có 4 - 5 bộ thì gọi gì là Quốc phục? Lễ phục có thể có nhiều loại nhưng Quốc phục thì chỉ có một, như thế mới là bản sắc. Tôi là cố vấn của ban nhưng tôi không đồng ý với việc có 4 - 5 mẫu Quốc phục".
Thanh Xuân