1. Một trong những câu chuyện mới nhất mà báo chí và dư luận quan tâm là sự cố ở chùa Chân Long - Di tích Văn hoá cấp quốc gia. Chùa này thường được gọi chùa Chàng Sơn vì nằm ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sư trụ trì Thích Minh Phượng tự ý dùng tượng mới giống… mình để thay vào vị trí tượng cổ bị mất cắp, tổ chức làm lễ "hô thần nhập tượng" linh đình. Phật tử và dân chúng đến dự rất đông, phát hiện sự trái khoáy ấy đã tức giận kéo tượng mới ra giữa chợ rồi đội mũ cối, đội nón, đội lá, đeo kính lên tượng và chụp ảnh tung lên các diễn đàn. Quá hoảng sợ trước cơn thịnh nộ đó, sư trụ trì Thích Minh Phượng đã bỏ trốn biệt tăm.
Ngoài việc đúc tượng đồng mới thay tượng cổ, theo kết luận thanh tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, thì ở chùa Chân Long, người ta còn vi phạm trật tự xây dựng các hạng mục, làm nhà vệ sinh sát nhà tiền đường, thay đổi hiện trạng 4 con rồng đá, chặt cổ thụ làm nhà để xe mà không xin phép các cơ quan chức năng. Ngay cả tượng Phật cổ bị mất cắp và nhiều tượng lạ mới đúc xuất hiện trong chùa cũng là sai phạm đang bị điều tra…
Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 7/11/2013, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sự không đồng tình với cách hành xử gây nhiều điều tiếng của nhà sư Thích Minh Phượng.
Cũng trong tháng 11/2013, giữa lúc chuyện sư thầy Thích Minh Phượng tại Hà Nội đang "nóng" thì ở đầu bên này đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã trục xuất ra khỏi giáo hội đối với ông Trương Văn Bảy từng là sư trụ trì chùa Giác Hạnh ở thành phố Mỹ Tho.
Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, ông sư này đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chùa đi cầm cố, thế chấp để lấy tiền tiêu xài cá nhân, gây thiệt hại hơn 3 tỉ đồng. Ông còn thu tiền của phật tử để tổ chức chương trình "Hành hương tâm linh xuyên Việt" nhưng tìm cách trì hoãn mãi, không hề thực hiện. Ngoài ra, thầy Bảy đã mượn tiền của nhiều người mà không chịu trả, với danh sách chủ nợ khá dài chỉ ghi pháp danh phật tử chứ không ghi tên thật, khiến Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Mỹ Tho phải thông báo kêu gọi ai là chủ nợ đến trình báo để có cơ sở giải quyết.
Việc "tham nhũng" tiền chùa của sư trụ trì Trương Văn Bảy gợi nhớ lại một câu chuyện khác ở đồng bằng sông Cửu Long cách đây chưa lâu. Đó là việc sư trụ trì Thích Phước Tấn dùng tiền của Bồ Đề cổ tự (xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) mua đất xây biệt thự riêng trị giá cả chục tỉ đồng.
Điều đáng nói là trong khi biệt thự của sư thầy xây hoành tráng thì chính ngôi chùa Bồ Đề, nơi đặt bia tưởng niệm các nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ lại xây dựng ì ạch kéo dài mấy năm chưa xong, cho dù sự đóng góp của các tấm lòng thiện nguyện khá lớn, gây bức xúc người dân địa phương, bị báo chí và dư luận lên án.
Lịch sử cho thấy có những vị vua đồng thời cũng là những bậc chân tu được người đời ngưỡng mộ. Trong ảnh: Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được khánh thành tại khu di tích danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh ngày 3/12.
2. Những câu chuyện không hay như của các nhà sư Minh Phượng, Văn Bảy, Phước Tấn không phải là cá biệt. Hàng loạt tấm ảnh phản cảm về sư Huệ Phong ở Vũng Tàu chụp chung với người mẫu Thái Nhã Vân trong tư thế hoàn toàn khỏa thân từng là đề tài "nóng" trên mạng.
Hoặc tại Phú Yên, sư trụ trì chùa Thanh Lương bị phật tử ngư dân chặn đường đập phá ôtô, khi vị sư này lợi dụng tiền cúng dường tượng Phật Bà Quan Thế Âm vốn trôi dạt ngoài biển và được ngư dân đưa về thờ cúng trong chùa.
Lối sống xa hoa, cách cư xử trái đạo của sư trụ trì chùa Thanh Lương đã làm cho những ngư dân nghèo vốn bao đời có công xây dựng, bảo tồn ngôi chùa cổ này bất bình. Đó là chưa kể có những nhà sư ngang nhiên ngồi ăn nhậu thịt chó giữa bàn dân thiên hạ, hay sa đà vào chuyện ái tình mà báo chí từng nêu hoặc âm ỉ trong dư luận…
Thực ra nhà sư trước hết là con người, nên cũng có những hỉ - nộ - ái - ố cùng những ham muốn thoả mãn có tính bản năng. Tuy nhiên, nhà sư lại khác người thường, vì khi đã chấp nhận xuống tóc đi tu để cứu độ chúng sinh, thì phải từ bỏ những ham muốn mà giáo luật không cho phép. Ngôi chùa là nơi nhà sư tu tập, có phận sự bảo quản. Ngôi chùa cũng là tài sản chung của nhân dân chứ không phải của riêng vị sư nào.
Không ai cấm nhà sư xây sửa chùa, chụp ảnh, mua sắm ôtô hoặc những vật dụng nhu cầu cá nhân, nhưng khi việc làm ấy thiếu minh bạch, xa hoa, gây phản cảm, vi phạm giáo luật và pháp luật, bị chính quần chúng phật tử phản ứng quyết liệt thì lại thành chuyện khác.
Trong kinh Di giáo, Đức Phật có dạy: "Các thầy Tỷ kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống; tự thấy như vậy mà kiêu ngạo còn nổi lên, thì phải cấp tốc toả chiết. Tăng thêm kiêu ngạo là điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia nhập đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình xuống mà đi khất thực?".
Ngay sau khi xảy ra vụ việc sư Thích Minh Phượng ở chùa Chân Long, bên lề kỳ họp Quốc hội vừa qua, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Trị sự Thành hội Giáo hội Phật giáo Tp Hà Nội đã phát biểu với báo chí rằng: "Thầy Thích Minh Phượng cũng nhiều chuyện lắm. Từ nếp sống, cư xử với người dân và cả tổ chức Phật giáo. Thầy Phượng cũng bị người dân phản ứng nhiều. Trước đây thầy Thích Minh Phượng đã có nhiều chuyện bất hoà, sống không khéo với dân nên nhân sự kiện này có thể người dân bức xúc nên mới phản ứng như vậy. Giáo hội Phật giáo đã nhiều lần uốn nắn thầy Thích Minh Phượng. Một vị sư trong chùa phải lấy sự hòa hợp với dân làm chính vì mình là người tu hành ở địa phương, mà người tu càng phải nhẫn".
Vâng, nhà sư là hình ảnh đại diện cho đời sống tâm linh của một ngôi chùa, một vùng dân cư, một địa phương mà không "lấy sự hòa hợp với dân làm chính" thì thử hỏi làm sao nhà sư có thể tiếp tục sống và tu luyện?
Nhờ đời sống kinh tế phát triển, trong gần 20 năm qua, đời sống văn hóa tín ngưỡng cũng hưng thịnh, nhất là văn hóa Phật giáo. Các ngôi chùa cổ được trùng tu. Nhiều ngôi chùa mới mọc lên. Người đi lễ chùa ngày càng đông. Nhưng sự hưng thịnh này cũng nảy sinh nhiều mặt trái. Ngoài sự sai phạm của một số vị sư hoặc đội lốt sư thì người đi lễ chùa cũng có những hành vi phản cảm: bẻ cây, vặt hoa, cầu tài cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức, thậm chí cầu… tiêu diệt đối thủ!
Khi cái sự cầu ấy may mắn được thoả mãn, họ đã "cúng chùa" tiền triệu, tiền tỉ. Những ngôi chùa nghèo vốn lụp xụp bỗng được xây dựng bề thế, hoa mỹ, phá vỡ không gian kiến trúc, thay đổi cả tượng cổ và những di vật quý giá khác, vi phạm Luật Di sản. Những vị sư trụ trì cũng nhanh chóng thay đổi lối sống cho "hợp thời". Có đại gia "cúng chùa" nhiều tiền còn buộc nhà chùa treo hình ảnh của mình lên để lưu danh. Đó là cách hành xử xâm phạm chốn tôn nghiêm, vi phạm thuần phong mỹ tục tín ngưỡng lâu đời của ông cha.
Khi hình ảnh nhà sư bị hoen ố cũng chính là hình ảnh của ngôi chùa ở nơi đó bị ảnh hưởng. Hơn nữa, ngôi chùa không chỉ là nơi thờ cúng Phật, để các sư sãi tu tập, mà còn là nơi nương náu linh hồn của những người đã khuất từ bao đời nay. Văn hoá Phật giáo là cốt lõi của nền văn hoá dân tộc.
Lịch sử nước ta cho thấy có nhiều vị vua, danh thần, danh tướng cũng là những vị sư lừng danh. Phật hoàng Trần Nhân Tông là hình ảnh tiêu biểu nhất. Xâm phạm chốn tôn nghiêm cũng chính là xâm phạm di sản văn hoá, không chỉ bị dư luận lên án mà giáo luật và pháp luật cần nghiêm trị thích đáng để làm gương.
Theo Công an nhân dân