Trong không khí hân hoan vui mừng chào đón ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm nay, không ít phụ nữ đã và đang phải sống dở chết dở vì cú “gạt má”, “vung chân” hữu ý của các đức ông chồng.
Vụ bạo hành gây xôn xao dư luận mới đây xảy ra ở P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Vào chiều tối 9/10, ông Quang về nhà trong bộ dạng say xỉn. Cằn nhằn vì chồng chỉ đưa 2,5 triệu đồng tiền lương và giữ 500.000 đồng để đi nhậu, bà Luyện bị ông Quang rượt đuổi, cầm dao cứa cổ.
May mắn thay, vết thương dài 5cm trên cổ bà Luyện không nguy hiểm đến tính mạng. Ông Quang sau đó bị người dân khống chế, giao cho cơ quan điều tra.
Trong một gia đình mà bố mẹ xung đột, mâu thuẫn triền miên, đáng thương nhất là những đứa trẻ. Tắt clip đã lâu nhưng tiếng khóc xé lòng của bé gái trước cảnh tượng kinh hoàng làm tôi ám ảnh, day dứt mãi.
Thế nhưng, giống như Vũ Trọng Phụng từng viết: “Sự đời là thế, cái gì bàn càng lắm thì càng nát, càng xa rời chân lí”. Bên cạnh những bình luận chỉ trích, không ít cánh mày râu đã đứng về phía người chồng trong clip, chê trách người vợ hỗn xược, coi thường chồng. Thật nực cười khi sai lầm của người đàn ông được xí xóa nhờ men rượu còn lỗi của người đàn bà bị bạo hành là đã “gây sự” với người say.
Vậy đấy, sự tồn tại của cái ác không đáng sợ bằng quyết định chấp nhận, dung thứ nó. Say đến đâu, giận đến đâu mà một người đàn ông có thể nhẫn tâm cầm dao cứa cổ vợ mình?
Phải chăng, vì người đàn bà khốn khổ trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” ở chương trình học phổ thông được nhiều thầy cô giáo “tôn vinh” như là tấm gương mẫu mực về đức hi sinh cao cả và tấm lòng vị tha nên vẫn còn những chàng trai, cô gái thời nay coi việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay trong gia đình là chuyện nhỏ, thậm chí là biểu hiện của tình yêu?
Theo thống kê tại các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn, hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, với hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.
Người may mắn được tiếp tục cho phổi thực hiện chức năng hô hấp. Người phải mang thương tật suốt đời. Sống chung với bạo lực lâu ngày, có người đã trở thành ác quỷ. Tuy vậy, những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng do bạo lực gia đình gây ra dường như vẫn chưa đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi bạo lực.
Và nếu cứ kiên quyết giữ nguyên quan điểm “hỗn láo thì phải đánh cho chừa” và biểu dương thói gia trưởng của đàn ông thì chưa biết chừng sau này, à mà thôi, các cụ đã dạy rồi: Con người ta chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ.
Ngọc Hà
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả