Tại phiên làm việc sáng 29/12, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham luận, nhấn mạnh kết quả năm 2020 cho thấy các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành với 4 điểm nhấn.
Công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, các quyết sách của Chính phủ rất kịp thời, chính xác, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Chính phủ. Thành tựu đạt được là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin là chúng ta có thể làm được nhiều điều kỳ diệu khác.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ trương đúng đắn này được triển khai suốt thời gian qua và cần được thực hiện mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh rất khó đoán định. Cùng với đó, tận dụng các cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút FDI… để gia tăng khả năng chống chịu, sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Nhận định, đánh giá đúng tình hình về khó khăn, thách thức và cơ hội, xây dựng giải pháp, đối sách phù hợp. Thường xuyên đổi mới sáng tạo, nâng cao bản lĩnh trí tuệ trong công tác tham mưu...
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, phòng chống covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất để thực hiện các nhiệm vụ, việc mở cửa trở lại phải xem xét rất thận trọng. Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm. Đẩy nhanh chuyển đổi số. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao. Khẩn trương lập Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Tập trung đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành giá, nhất là giá cả hàng hóa phải thận trọng, phù hợp. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để các doanh nghiệp vươn ra quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trình bày tham luận, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trước đây, ngành Tài nguyên và Môi trường thường được nhắc đến với những khó khăn, tồn tại, nhưng cùng với những thành tựu chung của đất nước, ngành đã chuyển đổi thành công, biến nguy thành cơ, từ bị động thành chủ động.
Ngành đã liên tục lắng nghe ý kiến các địa phương, trình Chính phủ ban hành 5 nghị định liên quan tới lĩnh vực đất đai, giải quyết rất nhiều nội dung mà nhiều địa phương đã nêu tại Hội nghị, đặc biệt là liên quan tới việc chuẩn bị đất đai cho các dự án đầu tư. “Vấn đề này khẳng định sẽ được giải quyết, nếu có vấn đề gì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng”, Bộ trưởng nói.
Ngành đã chuyển hơn 230.000 ha đất sang mục đích phi nông nghiệp, phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Khai thác khoáng sản tài nguyên khác vượt dự thu. Dự toán thu từ đất công sản vượt hơn 150%.
Quan trọng hơn, Quốc hội đã thông qua luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sắp tới, có thể chuyển 25% lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày thành năng lượng với việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương cụ thể hóa bằng các hành động để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương để xây dựng các quy hoạch có chất lượng, đặc biệt là vấn đề phòng chống thiên tai. Về biến đổi khí hậu, nghị quyết 120 của Chính phủ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức quan trọng và các vùng khác như Tây Bắc, Tây Nguyên… cũng cần có những văn bản như vậy.
Hương Lan