Quốc hội đang thảo luận ở hội trường về nội dung đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Quốc hội cũng thảo luận nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Bên hành lang Quốc hội sáng 25/7, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đã dành cho PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật cuộc trao đổi ngắn xung quanh các vấn đề đang "nóng" nghị trường này.
PV: Thưa ĐBQH Nguyễn Văn Thân, kết quả tổng kết công tác đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của chúng ta đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Là ĐBQH, ông nhận định đâu là "điểm nghẽn" và cần phải xử lý thế nào?
Hiện nay công tác đầu tư công của chúng ta đang rất vướng ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), nhất là những dự án triển khai ở khu vực có đông dân cư. "Điểm nghẽn" đó nếu chúng ta không giải quyết được sớm thì sẽ làm tiến độ dự án bị chậm, chậm giải ngânm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch đầu tư công.
Giải pháp quan trọng nhất là tách GPMB ra khỏi dự án chung. Sau khi chúng ta GPMB xong, các doanh nghiệp (DN) sẵn sàng vào đầu tư kể cả PPP (hình thức đầu tư bằng đối tác công tư - PV) hay đầu tư của Nhà nước. Nếu không thuận lợi về giải phóng mặt bằng thì DN không vào.
Ví dụ như sân bay Long Thành (Đồng Nai), vừa qua Quốc hội rất sáng suốt, đã tách khâu giải phóng mặt bằng ra thành giai đoạn 1 của dự án, giai đoạn 2 mới triển khai. Rất tiếc là tiến trình GPMB của chúng ta quá chậm do cả yếu tố chủ quan và khách quan, dẫn đến giá GPMB ngày càng tăng cao.
Tôi đề nghị Quốc hội quan tâm đến nghị quyết tách GPMB ra thành một khâu riêng biệt của các dự án đầu tư công sắp tới.
PV: Theo ông, trong câu chuyện GPMB của những dự án đầu tư công, làm thế nào giải quyết hài hoà lợi ích của người dân, DN và chính quyền địa phương?
Đối với người dân, phải có sự thoả thuận với Nhà nước. Chính quyền địa phương phải thay mặt DN đàm phán với người dân chứ nếu để DN tham giam đàm phán với người dân thì rất khó. Chính quyền địa phương phải thông qua một mức giá nào đó mà hội đồng nhân dân đồng ý, ủng hộ rồi lấy giá đó để làm. Như vậy tiến độ sẽ nhanh hơn.
Nếu không có sự can thiệp này, đối với những công trình này có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng, thị trường sẽ tìm cách đẩy giá đất đai lên cao, rất khó cho công tác GPMB.
PV: 6 tháng đầu năm nay, số DN rời khỏi thị trường rất cao, điều này gây nên áp lực thế nào đối với tăng trưởng 6 tháng cuối năm?
Khi chưa xảy ra dịch bệnh, việc DN thành lập mới hay giải thể vẫn diễn ra bình thường, nhưng Covid-19 xảy ra có thể nói là đã gây ảnh hưởng nặng nề nhất cho DN, nhất là những DNNVV, và đặc biệt DN ngành du lịch, khách sạn… Họ phải đóng cửa hàng loạt.
Nhưng mặt khác, vẫn những mảng, những DN làm tốt như DN xuất khẩu, logistic, kinh doanh trên mạng hoặc tài chính ngân hàng... Nghĩa là, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến DN nhưng không phải không có điểm sáng. Còn đương nhiên áp lực lên tăng trưởng là đáng kể và chúng ta đang phải tìm biện pháp khắc phục.
PV: Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, DN khó khăn, có nên hi sinh một vài chỉ tiêu kinh tế để đổi lấy an toàn và sức khoẻ của người dân hay không?
Tôi nghĩ là nên. Tôi muốn nói thêm là, chúng ta đừng quá hoảng sợ về dịch bệnh Covid-19. Trên thế giới kể cả các nước tiên tiến, có lúc lên tới 30.000 người bị nhiễm bệnh. Chúng ta phải nghĩ đến một kịch bản xấu nhất và phải xác định sống chung với nó. Nếu chúng ta quá hoảng sợ mà trong hoàn cảnh chưa khống chế được dịch bệnh thì sẽ dẫn đến hoang mang, lo sợ thì không cẩn thận dịch chưa gây hậu quả quá nặng nề mà chúng ta đã gặp khó hơn thực tế khách quan.
Vấn đề đặt ra là lúc nào thì ưu tiên cho chống dịch? Lúc nào ưu tiên cho phát triển kinh tế? Ở địa phương nào, vị trí nào thì ưu tiên nhiệm vụ nào? Điều này đòi hỏi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải hết sức linh hoạt. Vừa rồi Nghị quốc của Quốc hội đã giao toàn quyền quyết định việc chống dịch cho Chính phủ, vì chống dịch là chống giặc, đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm. Thủ tướng cùng với Chính phủ phải là tướng ra trận, phải dành quyền cho tướng quyết định trợ thủ và phương pháp.
Về mục tiêu kinh tế xã hội, chúng ta kỳ vọng "mục tiêu kép" nhưng chúng ta phải chấp nhận sẽ có lúc không đạt được chỉ tiêu. Chống “giặc” phải hi sinh, nếu cứ bám đến một vài chỉ tiêu thì lại mất cái khác. Trong bối cảnh hiện nay cần phải hi sinh.
PV: Từ góc độ đại diện cho hiệp hội DNNVV, theo ông gói chính sách 26.000 tỷ đồng vừa rồi đã hỗ trợ được DN hay chưa? Ông có đề xuất gì để gói hỗ trợ đó đạt được hiệu quả cao nhất?
Gói 26.000 nghìn tỷ vừa rồi Chính phủ đưa ra, Bộ điều hành gói này là bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tôi đánh giá rất cao. Đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy và hành động. Điều kiện tiếp cận đã dễ dàng hơn, DN và người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Thôi thì chúng ta nghèo, chúng ta không có nhiều tiền, nhưng chúng ta chia sẻ được.
Tôi đề xuất cần phải tạo cơ chế linh hoạt cho người thực hiện gói hỗ trợ này. Có lúc tiếp cận với người lao động nghèo mà người ta thiếu một số giấy tờ thì cho người ta nợ. Không có cơ chế như thế thì người làm không dám làm vì sợ vi phạm luật, cuối cùng hai bên không đến với nhau được.
PV: Việc hạ lãi suất, khoanh giãn nợ thì sao, thưa ông?
Chính sách của ngân hàng Nhà nước tôi cho là rất tuyệt vời. DN được khoanh nợ, giãn nợ, được hạ lãi suất. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp cho nên tôi cho rằng đó là sự hi sinh. Nhưng có một điều rất quan trọng, hạ lãi suất thì Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh cho ngân hàng, vì chỉ hạ lãi suất đến một mức nào thì ngân hàng chịu được. Nếu hạ nữa, khoanh nữa, giãn nữa thì đến một lúc nào đó DN gặp khó khăn, họ sẽ không tạo điều kiện cho DN tiệm cận được nguồn vốn nữa.
Tôi kiến nghị, Chính phủ cần vào cuộc, bộ Tài chính cần phải có phương pháp hỗ trợ, lấy ngân sách ra bảo lãnh cho phần lãi suất quá tải mà ngân hàng phải chịu.
Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong chống dịch và phát triển KTXH
Quốc hội đã luôn nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc Quốc hội đưa vào trong nghị quyết của mình, cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được chủ động đưa ra những biện pháp cần thiết để phòng chống dịch và duy trì phát triển KTXH mặc dù những quy định đó chưa hề có trong quy định của pháp luật, là một minh chứng rõ ràng.
Đó là một quyết định sáng suốt và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, giúp cho Chính phủ có thể chủ động hơn, linh hoạt hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn trong việc phòng chống Covid-19 cũng như phát triển KTXH.
Quốc hội đã cắt giảm đến 8 ngày làm việc, một mặt để gương mẫu thực hiện tiết kiệm (cắt giảm chi phí, tăng giờ làm, Quốc hội làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật…) Có thể nói rằng quyết định này được cử tri, nhân dân cả ngước hoan nghênh.
Quyết định này tạo điều kiện cho các ĐBQH ngay sau kỳ họp có thể trở về địa phương trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch, đề ra giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.
Đây chính là biểu tượng quan trọng của một Quốc hội đổi mới, vì dân, linh hoạt sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội,
Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI)