Nhiều năm nay, dưới sự chỉ đạo của Ban 389 TW, các lực lượng liên ngành đã tích cực thực hiện công tác chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, cuộc đấu tranh này chưa có hồi kết. Trên thị trường, mặt hàng nào bán chạy thì hầu hết bị làm giả, làm nhái, thiệt hại trước hết là các nhà sản xuất và kinh doanh chân chính; xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng xã hội. Hàng giả, hàng nhái lan tràn khắp thành thị và nông thôn, từ chợ đến cửa hàng lẻ và ở một số siêu thị mà công tác quản lý còn có vấn đề.
Hàng giả xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực, ngành hàng như hàng công nghiệp tiêu dùng, điện máy, nông sản thực phẩm, xăng dầu, thậm chí cả ở mặt hàng thuốc chữa bệnh.v.v. Một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng sính hàng ngoại nên cũng tham gia tiêu thụ hàng giả hàng nhái, v.v. Tình hình trên cho ta thấy công tác chống hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về hàng hóa cũng còn rất nhiều việc phải làm:
Trước hết, ở một số đơn vị sản xuất có hàng hóa đang bán tốt, ỷ lại vào đó nên họ thiếu sự quyết tâm gắn kết với các lực lượng quản lý trên địa bàn, chỉ đến khi hàng giả xuất hiện nhiều, họ mới hăng hái lao vào cuộc. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều lúc rất công khai ở nhiều tỉnh trên toàn quốc, tuy nhiên, vai trò của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, xã phường quận huyện vẫn còn chưa được quan tâm hoặc thiếu trách nhiệm.
Mới đây, một đại biểu Quốc hội đã mua thử thuốc lá lậu giữa ban ngày một cách dễ dàng và cho biết 3 ngày vừa qua, ông đến địa phương đó không gặp bất kỳ một lực lượng kiểm soát thị trường nào. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của chính quyền ở đâu trong cuộc chiến này.
Từ nhận thức đến hành động, chúng ta phải coi nạn hàng giả và xâm phạm quyền SHTT cũng như buôn lậu và gian lận thương mại là một quốc nạn để nghiên cứu đầu tư đúng mức và tổ chức bộ máy một cách chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Các lực lượng thi hành nhiệm vụ cần có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả, quân số cần đủ cho tổ chức bộ máy, điều quan trọng là Nhà nước cần quan tâm đầy đủ về thu nhập và đời sống của anh chị em để có thể yên tâm chống buôn lậu và không bị sa ngã, mua chuộc bởi những “viên đạn bọc đường”.
Cần tổ chức thị trường hàng hóa nội địa bằng những chuỗi sản xuất phân phối bán buôn bán lẻ chặt chẽ, trước hết là những địa bàn trọng điểm, mặt hàng chủ yếu, quy trách nhiệm cho từng khâu công tác trong chuỗi đó.
Cần nâng cao nhận thức cho các nhà sản xuất kinh doanh chân chính tích cực tham gia vào công tác này.
Người tiêu dùng cần tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm, đặc biệt là hàng hóa Việt Nam mang tính cạnh tranh vđã tự sản xuất được. Kiến nghị với Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho chính quyền các cấp và vai trò của người đứng đầu các địa phương trong công tác chống sản xuất, kinh doanh hàng giả và vi phạm quyền SHTT.
Làm được những vấn đề trên, chắc chắn trong thời gian tới, công tác này sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhanh và bền vững.
Vũ Vinh Phú (Nguyên Phó Giám đốc sở Thương mại Hà Nội; Nguyên Phó ban 127 Chống buôn lậu và gian lận thương mại TP. Hà Nội)
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả