Đến khoảng 20h cùng ngày, công tác khám xét đã được hoàn tất, rất nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị cơ quan công an niêm phong và thu giữ.
Xe chuyên dụng của cơ quan CSĐT tại sân Trường THPT dân lập Phương Nam chiều 24/8 |
Làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Chiều ngày 24/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với nữ Hiệu phó trường THPT Dân lập Phương Nam Trương Thị Hải Yến cùng hai người thân là bà Trương Thị Kim Dung (51 tuổi, em gái bà Yến) và Mai Huy Thành (28 tuổi, con trai bà Yến, đều trú ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 23/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có mặt tại Trường THPT Dân lập Phương Nam, mời bà Yến tới Công an phường Định Công làm việc nhằm làm rõ về nghi án vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng. Tiếp đó, bà Yến được đưa lên xe đặc chủng tới thẳng Công an quận Hoàng Mai để tiếp tục điều tra làm rõ. Sau đó, bà Yến cùng hai người thân được đưa về Trường THPT Dân lập Phương Nam (ở Lô 18, Khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai), để thực hiện lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc.
Liên quan đến vụ việc này, Báo Giao thông từ số 39 (ngày 8/8) đã liên tục phản ánh việc bà Trương Thị Hải Yến bị 18 cá nhân tố đã vay của họ hơn 268 tỷ và 16 quyển sổ đỏ. Đến nay, đã quá hạn nhưng bà Yến vẫn không hoàn trả. Từ đầu tháng 8, hàng chục chủ nợ đã tập trung tại khu vực trước cổng Trường THPT Dân lập Phương Nam với băng rôn, khẩu hiệu, thậm chí dùng cả loa để đòi nợ. Nhóm người này còn tự ý vào Trường tổ chức ăn, nghỉ tại căng tin để gây áp lực.
Sự việc ồn ào và gây mất trật tự này đã khiến Công an phường Định Công phải cử cán bộ xuống yêu cầu các chủ nợ giải tán, ổn định lại trật tự quanh khu vực Trường.
Bà Trương Thị Hải Yến |
Đuổi chồng ra khỏi trường
Ông Mai Thanh Hòa (59 tuổi, ở tổ 37, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên là Phó hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam và là chồng bà Yến. Ngước mắt nhìn vào ngôi trường, ông Hòa thốt lên: “Bà Yến đã phá tan ngôi trường mà tôi mất bao nhiêu công sức gây dựng”.
Theo lời ông Hòa, Trường THPT Dân lập Phương Nam trước kia chỉ là Trường Tiểu học Dân lập Phương Nam. Năm 1996 khi Nhà nước chủ trương xã hội hóa giáo dục, ông Hòa cùng với một người bạn cùng lớp đại học với vợ tên là Cấn Hữu Hải (ở Khu tập thể Sơn Tây, quận Đống Đa, Hà Nội) đã đứng ra thành lập Trường Tiểu học Dân lập Phương Nam và thuê trụ sở trên đường Trường Chinh. Năm 2003, sau một thời gian hoạt động, lượng học sinh tăng ông quyết định thuê trụ sở ở đường Đại La (quận Hai Bà Trưng). Cũng từ đây, HĐQT Trường tiểu học Dân lập Phương Nam quyết định thành lập thêm cả Trường THCS và THPT Dân lập Phương Nam. “Năm 2005, chúng tôi báo cáo UBND TP và Sở GD&ĐT Hà Nội xin cấp đất xây dựng trường, chính là khu đất mà Trường THPT Dân lập Phương Nam hiện nay” - ông Hòa cho hay.
Trong quá trình xây dựng trụ sở trường học mới, ông Cấn Hữu Hải đã góp 2,8 tỷ đồng, vợ chồng ông Hòa, bà Yến góp 20 tỷ đồng. Lúc này, bà Yến cũng đã xin nghỉ công tác ở Sở GD&ĐT, do là người góp vốn nên được Ban quản trị giao nhiệm vụ giữ chức Phó hiệu trưởng, kiêm Ủy viên Hội đồng quản trị nhà trường.
Theo ông Hòa, đầu năm 2007, ông nghỉ phép để vào miền Nam thăm đồng đội và chiến trường cũ. Khi quay về trường thì ông phát hiện toàn bộ lực lượng bảo vệ đã bị vợ mình đuổi việc. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông bị lực lượng bảo vệ mới “tóm cổ” ném ra khỏi trường. Không dừng lại ở đó, ông Hòa còn bị vợ mình ra quyết định đuổi khỏi HĐQT, dán thông báo cấm không được vào trường và bảo vệ được “dặn” đánh gãy chân nếu ông cố tình xông vào trường.
Nguy cơ tiền mất, tật mang Theo Luật sư Nguyễn Đăng Quang - Văn phòng Luật sư Đăng Quang và cộng sự: “Việc những người cho bà Yến vay hoặc đưa sổ đỏ nhờ bà Yến vay hộ có lấy lại được tiền và sổ đỏ của mình còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là mức độ ăn năn, hối lỗi và khả năng khắc phục hậu quả của đương sự. Thứ hai, cơ quan điều tra có điều tra ra được hoặc đúng hơn là có thu hồi được những tài sản bất minh do việc phạm tội mà có hay không. Trong trường hợp những số tiền đó được chuyển thành tài sản của trường thì cơ quan điều tra cũng phải xác minh được đâu là những tài sản bất minh được tạo ra do việc vay nợ, cầm cố mà có, chưa kể phải tính đến cả tình huống tẩu tán tài sản. Tin tưởng nhau một cách mơ hồ và hám lợi, khi xảy ra vấn đề tranh chấp, kiện tụng thì người bị hại tiếp tục bị chịu thiệt”. |
Theo Văn Huế - Minh Thành (Báo Giao thông vận tải)