Sự việc hy hữu
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước câu chuyện hy hữu xảy ra tại bệnh viện Bưu Điện.
Theo đó, bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, bà cùng chồng đã kết hôn vào năm 1990, có với nhau 4 con, người con lớn nhất đã 29 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi.
Bà N. cho hay do tuổi đã cao lại muốn có thêm con, bà cùng chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu Điện để làm thụ tinh ống nghiệm. Kết quả, vợ chồng bà lọc được 2 phôi, phôi 1 chuyển vào ngày 31/12/2017 và thành công, đến tháng 9/2018, bà sinh con thứ 4 là bé trai. Phôi còn lại, 2 vợ chồng quyết định gửi lại Trung tâm để cấp đông lưu trữ.
Đến tháng 4/2019, khi đang chăm con trai được hơn 7 tháng, bà N. bất ngờ nhận được cuộc gọi của bệnh viện Bưu Điện hỏi về tình hình sức khoẻ thai nhi. Ngỡ ngàng một hồi lâu, bà N. hỏi phôi được chuyển khi nào, thì được thông báo, phôi chuyển vào ngày 2/4/2019 và gia đình báo đã đậu thai.
Nghi ngờ phôi bị đánh cắp, bà N. tra hỏi chồng và ông đã thừa nhận lấy cắp phôi của vợ cho cô G.T.D. (45 tuổi ở Bắc Giang) mang thai.
Bà N. cho biết, giữa chồng bà và cô D. có mối quan hệ bất chính từ 2016. Cô D. đã có con gái lớn 17 tuổi nhưng chồng đã qua đời, giờ lại muốn có thêm con nên cũng từng đi chạy chữa ở nhiều nơi.
Đến tháng 2 vừa qua, chồng bà N. đưa cô D. đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Bưu Điện để làm thủ tục cấy phôi cho cô D. (thực chất là phôi của bà N.).
Để hợp pháp hoá thủ tục, chồng bà N. đã làm giả giấy uỷ quyền của vợ, giả cô D. là bà N. để qua mắt nhân viên rà soát của bệnh viện, cung cấp cho cô D. toàn bộ các dữ liệu liên quan đến bà N. cũng như cuộc hôn nhân của 2 vợ chồng, ngày đăng ký kết hôn, tên các con... để trả lời khi bị hỏi.
Bộ Y tế nói gì?
Trước sự việc hy hữu này, trao đổi với báo chí ngày 12/10 bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Bưu Điện cho biết cặp vợ chồng có hai phôi lưu trữ tại bệnh viện.
Tháng 9/2018, người vợ đã sử dụng một phôi và sinh ra đứa con, một phôi còn lại vẫn để trữ đông trong bệnh viện. Tháng 4/2019, người vợ nhận được điện thoại từ bệnh viện hỏi thăm sức khỏe thai nhi (từ phôi thứ hai-PV) nên bất ngờ. Lúc này, người vợ mới biết phôi đã được chuyển ngày 2/4/2019.
Bác sĩ Nhã thông tin: "Người chồng đã lừa người vợ lấy hết giấy tờ để đưa cho cô bồ đến bệnh viện chuyển phôi. Vì giấy tờ đầy đủ và đúng hết nên chúng tôi không phát hiện ra. Về việc kiểm soát bệnh nhân trước khi thụ tinh, chúng tôi đều kiểm tra đầy đủ hết giấy tờ cả hai vợ chồng. Có điều, CMND chụp cách đây hơn 10 năm nên chúng tôi không nhận diện được đó không phải là vợ vì giấy tờ vẫn mang tên người vợ”.
Đề cập đến trách nhiệm của bệnh viện trong sự việc này, bác sĩ Nhã cho biết: “Bệnh viện cũng có trách nhiệm là không nhận diện được bệnh nhân. Còn hậu quả của sự việc này để lại thực sự cũng không có gì. Bởi vì, bản thân người vợ không còn nhu cầu sinh thêm nữa.
Thậm chí, bà ấy từng có ý định để hiến hoặc hủy đi và cô bồ của ông chồng có thai nhưng đã bị sảy rồi. Mục đích của người vợ muốn làm lớn chuyện lên là để người chồng mất việc. Còn đối với bệnh viện, người vợ chỉ nói có ơn với bệnh viện, vì chuyện này người chồng làm ra", bác sĩ Nhã nói.
Cũng nhận định về sự việc nêu trên, bác sĩ Nhã cho biết bà chưa gặp trường hợp nào hy hữu như trường hợp này.
Để tránh không xảy ra sự việc tương tự, bác sĩ Nhã cho hay, vào thứ Hai tới bệnh viện sẽ triển khai xây dựng hệ thống phần mềm nhận diện bệnh nhân bằng mống mắt, vân tay, chứ không thể nhìn đối chiếu CMND, giấy đăng ký kết hôn...
Trao đổi thêm với PV báo điện tử Người Đưa Tin, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho biết, ngày 14/10 tới đây, bộ Y tế sẽ mời bệnh viện Bưu Điện lên để làm rõ về sự việc người chồng lấy phôi thai trữ đông của mình với vợ trong bệnh viện để giúp một phụ nữ khác mang thai.
“Thứ Hai tới, chúng tôi sẽ mời bệnh viện Bưu điện lên báo cáo cụ thể tình hình sự việc. Chúng tôi sẽ xem xét sự việc cụ thể, xem cái phôi đó của ai, ai quản lý, ai cho quyền bệnh viện phát phôi ra, phát phôi đi đâu?... Từ đó, mới rõ trách nhiệm của bệnh viện thế nào? hướng xử lý ra sao”, ông Quang cho biết thêm.