Thực ra trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi không vào nhà thổ, không có quan hệ tình dục, đàn ông cũng đã phải mất vật chất cho việc giải tỏa đó. Một món quà để có thể ngồi gần, trò chuyện hay động chạm là một ví dụ.
Nếu xã hội gay gắt với mại dâm thì cũng nên xét tới cả những hành động vờ vịt yêu đương, có tình cảm của một số chị em cho cầm chân cầm tay hay trò chuyện thôi và để đổi lại nhận những món quà không lớn nhưng cũng có khi không nhỏ.
Họ không muốn hay không dám đi xa hơn nhưng chừng đó cũng đã đủ. Họ nhận được vật chất và giúp cho đối phương thỏa mãn sinh lý, dù chỉ là về tâm lý.
Mại dâm và hiếp dâm đều là quan hệ tình dục ngoài hôn nhân nhưng khác nhau nhiều.
Hiếp dâm là dùng sức mạnh với người yếu hơn để thỏa mãn đòi hỏi tình dục và hiếp dâm là hành động nằm ngoài ý muốn của người phụ nữ. Người phụ nữ không nhận được gì mà còn cảm thấy nhục nhã và tủi hổ.
Trong khi đó mại dâm là hành động cần có sự đồng ý của người phụ nữ và người phụ nữ được nhận vật chất hay tiền bạc.
Có một điểm chung tại các quốc gia và các nền văn hóa, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là vi phạm đạo đức của xã hội và dù nói ra hay không nói ra nhiều người vẫn nghĩ khi đàn ông đi vào các nhà thổ họ đã "mang của nhà, mà lẽ ra các bà vợ phải được hưởng, đi phung phí".
Nhưng như trên đã nói, mại dâm tồn tại cùng lịch sử loài người, trong mọi quốc gia, trong mọi nền văn hóa, kể cả những nơi có chế độ hà khắc nhất với mại dâm.
Trong lịch sử không thiếu những câu chuyện về những hình phạt tàn độc với phụ nữ mãi dâm về cơ thể, vật chất và tinh thần. Ấy vậy mà mại dâm vẫn tồn tại.
Khi bản năng tự nhiên phải đi gieo giống của đàn ông còn tồn tại thì nó còn là một yếu tố quyết định tâm lý người đàn ông. Khi trong xã hội còn những người phụ nữ không ngại cung cấp "dịch vụ giải tỏa" cho những bế tắc và có vấn đề về đời sống vật chất thì mại dâm vẫn còn. Nó sẽ còn mãi khi xã hội còn giàu nghèo phân chia.
Mại dâm có thể sẽ mất đi một cách tự nhiên khi không còn giàu nghèo phân biệt. Khi đó quan hệ ngoài hôn nhân không là đổi chác liên quan tới tiền hay vật chất nữa mà chỉ đơn thuần là vấn đề tâm lý và sinh lý.
Các nhà đạo đức học và những nhà nữ quyền là những người lớn tiếng nhất trong việc đòi xóa bỏ mại dâm nhất, đưa mại dâm ra ngoài vòng pháp luật.
Nhưng đạo đức là sản phẩm hay ít nhất là chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện vật chất xã hội và chỉ khi mại dâm được công nhận thì một bộ phận phụ nữ mới được bảo vệ.
Phụ nữ sẽ ít là đối tượng bị hiếp dâm hơn và phụ nữ trong dịch vụ mại dâm hợp pháp mới được bảo vệ khỏi ma cô, tú bà, những kẻ mua dâm bệnh hoạn, được khám chữa bệnh thường xuyên, được giáo dục và dễ trở về đời thường hơn.
Khi hợp pháp hóa mại dâm, các bệnh xã hội cũng giảm đi và cơ quan quản lý cũng dễ dàng hơn trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội. Một khoản kinh phí xã hội sẽ được tiết kiệm và một nguồn thu cho xây dựng xã hội sẽ được tạo dựng.
Hiện nay cuộc chiến chống mại dâm như chống lại cối xay gió và xem ra không có hồi kết. Nó ngốn không biết bao nhiêu tiền của của ngân sách của nhà nước. Nước Việt ta từ bao đời không chấp nhận mại dâm và coi mại dâm là xấu xa, là hủy hoại thuần phong mỹ tục và có hại cho xã hội.
Thực tế thuần phong mỹ tục cũng không thể bao gồm gọt đầu, bôi vôi, đóng bè thả sông và thay vì chống lại những nhu cầu tự nhiên, tồn tại khách quan bằng ý chí chủ quan. Con người ta cần vận dụng để kiểm soát tốt nhất tình hình.
Mại dâm chỉ là xấu xa khi nó bị coi là bất hợp pháp, do vậy cả người bán và người mua dâm đều bị cho là vi phạm pháp luật như nhau. Để kết thúc tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét và đưa mại dâm vào diện hợp pháp.
Tôi cũng biết việc này là khó và sẽ vấp phải những phản ứng. Việc này cũng như việc ban hành các điều luật mới còn gây tranh cãi và cần nhiều giáo dục tuyên truyền nhưng không sớm thì muộn cũng phải làm.
Theo TS. Quỳnh Anh (Vnexpress)