Khi vụ án xảy ra, ngay cả mẹ của nam thanh niên ra tay sát hại vợ và con trai cũng không tin đó là sự thật. Người mẹ đau đớn, suốt mấy đêm bà không thể ngủ được vì ám ảnh tội ác của con mình.
Từ những cãi vã hàng ngày, dẫn đến cuộc sống “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cách ứng xử giữa hai vợ chồng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ thảm án đau lòng. Sau vụ án, hung thủ phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật, song nỗi đau với người còn lại sẽ còn đeo đẳng mãi. Xót xa cho người mẹ già sẽ sống cảnh đơn chiếc và sự vắn số của 2 nạn nhân bao nhiêu, dư luận càng căm phẫm trước hành vi mất nhân tính của hung thủ bấy nhiêu. Cái ác không thể dung thứ!
Có nhiều luồng thông tin về hung thủ trong vụ án sát hại vợ và con trai ở Tây Hồ rằng, đối tượng từng có tiền án, tiền sự và khi gây án có dấu hiệu không bình thường. Nếu đó đúng là sự thật, chắc hẳn nhiều người sẽ thốt lên rằng, đối tượng gây án thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện nhân cách đạo đức. Từ suy nghĩ và quan điểm sống sai lầm dẫn đến hành động sai lầm và vi phạm pháp luật. Trong cuộc sống gia đình, mâu thuẫn, xung đột là chuyện bình thường tuy nhiên với những người nhận thức còn hạn chế, nhất là hạn chế về kiến thức về pháp luật thì khó điều chỉnh được hành vi, dễ gây ra tội ác.
Gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra những vụ trọng án đau lòng giữa chính những con người vốn có quan hệ huyết thống, gắn kết hôn nhân. Đi tìm căn nguyên vì sao thảm án gia đình gia tăng, các chuyên gia tâm lý cho rằng, những đối tượng gây án thường đã dính vào tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè hay ngoại tình, ghen tuông… Khi bị người thân lên án, phản đối, thậm chí ngăn cấm, họ mù quáng không phân biệt được đúng sai, từ đó có những hành động phản kháng lại bằng bạo lực thiếu kiểm soát.
Bên cạnh đó, nhiều người thường đổ lỗi do áp lực cuộc sống. Sức ép về việc làm, mưu sinh cũng chi phối giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, vô cảm. Khi rơi vào trạng thái dồn nén nhiều, áp lực nhiều đã không kiểm soát được cảm xúc. Và chính những cảm xúc âm tính đó khiến con người ta mất đi lý trí của mình mà hành động theo bản năng.
Một chuyên gia tội phạm học cho rằng, tội ác gia đình là loại tội phạm khó xác định trước, bởi nhiều mẫu thuẫn nảy sinh âm ỉ không phải lúc nào cũng bộc lộ cho mọi người nhận biết và phòng ngừa. Chính vì vậy, để hóa giải mâu thuẫn, mỗi thành viên trong gia đình cần tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ, thay vì “chiến tranh lạnh”.
Thiết nghĩ, mỗi gia đình phải chú trọng giáo dục về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống để mỗi thành viên có thể hóa giải các xung đột, không để dồn nén kéo dài. Một người được giáo dục về lòng yêu thương, sự độ lượng, họ sẽ không sống bản năng, như vậy tội ác gia đình mới có điểm dừng và hung thủ không mang khuôn mặt của người thân.
N.G
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!